Du lịch cà phê, thu phí vào rừng
Ít người nghĩ rằng, trồng rừng lại có thể phát triển du lịch. Nhưng tại HTX lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (Thừa Thiên – Huế) thì khác. Đây được đánh giá là mô hình phát triển thực chất với cách thức kinh doanh khác biệt hoàn toàn, từ đó gây dựng được niềm tin rất lớn cho thành viên, người dân.
Ngoài trồng rừng bền vững FSC, HTX còn phát triển mảng du lịch rừng. Hòa Lộc cũng là HTX lâm nghiệp đầu tiên trên cả nước thu phí khách tham quan rừng. Chẳng hạn, đoàn khách dưới 10 người đóng phí 500.000 đồng/buổi, 10-30 người nộp tối thiểu 1.000.000 đồng/buổi.
Việc đóng phí là hoàn toàn có cơ sở khi du khách được tham quan một trong những khu rừng trồng chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe theo chuỗi giá trị.
Từ vườn ươm cây giống chất lượng cao, thân thiện môi trường đến cách trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đều được HTX quan tâm. HTX cũng liên kết với doanh nghiệp thu mua và chế biến gỗ rừng đảm bảo đầu ra cho các thành viên. Rừng FSC của HTX đều là diện tích không phát đốt thực bì, không có vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, không túi nilon nên vừa có giá trị kinh tế, vừa có tiềm năng du lịch lớn.
Hay tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong (Gia Lai) đang phát triển mô hình sản xuất cà phê cảnh quan bền vững kết hợp với du lịch. Ngoài trồng cà phê theo hướng hữu cơ, quy hoạch khu vực trồng theo từng tầng thực vật, HTX còn nuôi cá lồng trong lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa. Tất cả được sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Có thể thấy, trồng rừng bền vững hay sản xuất cà phê đều là thế mạnh đặc trưng của từng địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch sẽ giúp các HTX tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm.
Du lịch cà phê là một trong những thế mạnh của Tây Nguyên, giúp các HTX phát triển bền vững. |
Thống kê từ Bộ NNN&PTNT cho thấy, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.
Trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hóa, đặc biệt là thời điểm hậu Covid-19, nhu cầu du lịch về những vùng quê có không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị kinh tế bền vững được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, việc các HTX ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên phát triển sản xuất gắn với du lịch là hướng đi tất yếu và đúng đắn.
Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Khi tích hợp nông nghiệp và du lịch, lúc đó sản xuất nông nghiệp không còn là câu chuyện mua bán nữa. Người ta sẽ tự hào, phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử của mình. Vấn đề là phải làm cho họ thấy được giá trị đó, trên chính lịch sử, văn hóa của họ”.
Thực tế, khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã và đang phát triển các vùng sản xuất nông lâm sản hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh tập trung. Việc phát triển du lịch nông nghiệp giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của các địa phương.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đakrông, cho biết phát triển các mô hình du lịch nông-lâm nghiệp còn là một hình thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về sản phẩm nông-lâm nghiệp sạch, an toàn đang là mối quan tâm số một của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Đồng hành cùng HTX
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất thành công với mô hình du lịch nông-lâm nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng, loại hình này vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Không ít HTX còn gặp khó khăn trong việc phát triển bền vững sản phẩm và kết nối doanh nghiệp lữ hành, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, sử dụng sản phẩm nông lâm-nghiệp.
Cụ thể là trong 1.300 khu, điểm du lịch hiện nay trên cả nước thì mới có 36 điểm du lịch cộng đồng được công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên.
Một thống kê khác cũng cho thấy cả nước có 19.667 trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, bình quân 625 trang trại/tỉnh; Đồng bằng sông Hồng, bình quân 542 trang trại/tỉnh, trong khi miền Trung, Tây Nguyên là vùng có số lượng thấp hơn, với bình quân 441 trang trại/tỉnh.
Nguyên nhân là do nhiều HTX, tổ hợp tác còn gặp khó khăn trong đầu tư nguồn nhân lực cho phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao; khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp.
Hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp và chưa bài bản, hệ thống, đúng đối tượng. Ngoài ra, điều kiện cơ sở hạ tầng ở khu vực này cũng chưa hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mưa lũ nên hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng, bị động theo.
Để khu vực kinh tế tập thể nói chung, HTX phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch khu vực miền Trung, Tây Nguyên ngày càng lớn mạnh, theo các chuyên gia, các tỉnh trong khu vực cần hỗ trợ người dân, HTX tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; thay đổi cách thức quản lý nhà nước về HTX từ quản lý đơn thuần sang kiến tạo, hỗ trợ. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số nhằm giúp các HTX liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các nhà bán lẻ, khách hàng để hình thành các tour du lịch, từ đó hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh địa phương.
Để giúp các HTX có những định hướng rõ ràng, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ nhất gắn với Năm du lịch quốc gia Quảng Nam năm 2022 vào ngày 18-19/5 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, cho biết, tại Diễn đàn này, Liên minh HTX Việt Nam sẽ kết hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các HTX thực hiện chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19. Đây cũng là thời điểm để các HTX xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp, từ đó mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên, thu hút hầu hết hộ cá thể ở địa bàn nông thôn và thành phần kinh tế khác tham gia kinh tế tập thể HTX.
“Diễn đàn cũng sẽ thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung -Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, góp phần cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh mới”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị thông tin.