Hội thảo nhằm tìm thêm giải pháp xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu hướng đến là thành phố cà phê của thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho rằng, Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật,… hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”.
“Thành phố Buôn Ma Thuột rất mong nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương về ý tưởng về Thành phố cà phê gồm không gian kiến trúc, vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giao dịch, phát triển kinh tế, làm giàu từ cà phê, là điểm đến của những người yêu mến và trải nghiệm về cà phê.
Từ đó, Thành phố sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh. Đồng thời xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc” – Ông Hưng cho biết.
Đặc biệt, hội thảo lần này đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biế xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, thảo luận về thực trạng hoạt động du lịch, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê, về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”.
Đồng thời định hướng phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích Quốc gia, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; đề xuất các mô hình tiên tiến về công nghệ và tài chính để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà phê toàn Thế giới, đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang, thiết kế đô thị, theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng phát triển thương hiệu “Thành phố cà phê của Thế giới”, cơ chế chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố.
Tính đến cuối năm 2021, diện tích cà phê toàn tỉnh Đắk Lắk khoảng trên 208.000 ha, tăng hơn 5000 ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 476.000. Cà phê xuất khẩu thô đạt trên 195.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 291 triệu USD, chiếm 11,9 % tổng kim ngạch của với cả nước. Đến nay, sản phẩm cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà phê của tỉnh Đắk Lắk.