Làm gì để du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk phát triển xứng tầm với tiềm năng là vấn đề được tập trung bàn thảo tại cuộc tọa đàm “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong tình hình mới” do Báo Lao Động phối hợp với Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp và Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Vẫn còn là tiềm năng
Tham dự tọa đàm, các nhà quản lý cùng các diễn giả, chuyên gia về lĩnh vực du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận: thực trạng du lịch hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng; khí hậu mát lành, nhiều nông – lâm sản, đặc sản. Nơi đây cũng có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh so các địa phương khác trong vùng, tạo thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực sự có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã khiến ngành du lịch nơi đây chưa phát triển được như kỳ vọng, chưa tạo được vị trí xứng tầm trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn giới thiệu sản phẩm với du khách. |
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy, nhiều năm qua các tiềm năng du lịch của TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chưa được khai thác hợp lý và thiếu sự đầu tư đúng mức. Những sản phẩm đặc trưng như du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cà phê… chưa được tổ chức tốt. Nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo bài bản, thiếu cả chất và lượng; tính liên kết du lịch giữa vùng, trong vùng và các địa hạt du lịch riêng biệt chưa cao…
Đặc biệt, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù ngành du lịch của Đắk Lắk đã từng bước phục hồi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để. Nhiều sản phẩm du lịch mới manh nha hình thành nhưng nhỏ lẻ, manh mún, vướng các cơ chế chính sách, thiếu quy hoạch; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, mô hình kinh doanh gặp khó khăn trong triển khai ý tưởng làm du lịch…
“Để du lịch phát triển thì phải thay đổi tư duy từ doanh nghiệp làm du lịch, cho đến các địa phương và cần phải có quy hoạch bài bản, cụ thể”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà |
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) tâm tình: “Muốn làm du lịch tốt, doanh nghiệp phải thu hút được khách lưu trú qua đêm thì mới có cơ hội tạo được giá trị, triển khai các sản phẩm chuyên sâu, độc đáo để giới thiệu, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của họ, qua đó có thể tăng nguồn thu. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống nhà ở lưu trú trên đất nông nghiệp nên nhiều khách du lịch đến một số địa phương trong tỉnh chỉ có vài tiếng đồng hồ rồi di chuyển, chưa có được sự ấn tượng”.
Đại diện Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) cho hay, từ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại, khi mở rộng thêm ngành dịch vụ du lịch, đơn vị gặp khó khăn trong việc xây dựng các tour, tuyến vì nhiều điểm du lịch ở địa phương không được liền kề với nhau dẫn đến khá bất tiện khi di chuyển. Ngoài ra, hệ sinh thái du lịch ở địa phương chưa được mở rộng, chưa có được sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan…
Cần có sự quy hoạch phù hợp
Từ thực trạng được nhìn nhận, các đại biểu dự tọa đàm đã cùng bàn thảo cách thức để phát triển du lịch TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, như những khuyến nghị, kinh nghiệm thực tiễn về cơ chế, chính sách có tính đột phá, đề ra tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới – một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh… Trong đó, nhấn mạnh đến việc quy hoạch phù hợp.
Du khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Theo nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp), TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung còn thiếu cách quy hoạch du lịch theo thế mạnh của từng loại hình và từng vùng, thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch, do vậy du lịch nơi đây vẫn còn nhỏ lẻ và chưa có dấu ấn, nhất là du lịch nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong tình hình mới, du lịch Buôn Ma Thuột cần triển khai các giải pháp cần thiết và đồng bộ, như xây dựng các kế hoạch đầu tư du lịch phù hợp từng điểm đến và tạo sự khác biệt giữa các điểm đến để thu hút và thỏa mãn tối đa nhu cầu của du khách. Ngành du lịch cần có chiến lược tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, mở rộng liên kết du lịch vùng miền, tổ chức truyền thông đúng hướng, xúc tiến tiếp cận các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tham gia xây dựng các cụm, điểm du lịch chất lượng cao.
Bên cạnh đó, du lịch Buôn Ma Thuột cần chú ý khai thác thế mạnh về du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, du lịch trải nghiệm đời sống đồng bào các dân tộc, khôi phục các ngành nghề truyền thống, chọn sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát…, khôi phục lễ hội truyền thống như lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới… để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến và ở lại nơi đây.