Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng vô vàn cảnh sắc kỳ thú. Trong số đó những thác nước tuyệt đẹp luôn có sức thu hút du khách ghé thăm. Trước những thác nước hùng vĩ, du khách không khỏi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng và bí ẩn.
Thác Drai Dlông cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 35 km, thuộc địa bàn hai xã Quảng Hiệp và Ea M’Drŏh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Drai trong tiếng Êđê nghĩa là thác; Dlông có nghĩa là cao, vì vậy, Drai Dlông có nghĩa là thác cao. Ngoài ra, thắng cảnh này còn có tên gọi khác là thác Ba tầng.
Nằm ở phía Tây Nam của xã Quảng Hiệp, được tạo thành bởi hai ngọn đồi bao bọc có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, dòng chảy của thác Drai Dlông bắt nguồn từ dòng chảy của hai con suối Ea’Drǒh (con suối lớn) và suối Ea M’Drǎh (con suối nhỏ), đến đoạn gần thác khoảng 01 km thì hòa quyện vào nhau, gặp những tảng đá to lớn, thẳng đứng với độ cao 30m chặn lại, chia dòng chảy thành ba nhánh, trải dài như ba dải lụa trắng từ trên cao đổ xuống.
Từ dưới nhìn lên, ngọn thác cao vời vợi, lấp lánh ánh bạc, xung quanh là rừng cây xanh tốt với các loại cây vươn cao để thích nghi với dạng địa hình vách đá thẳng đứng, có nhiều loại cây gỗ quý hiếm như sao, hương, cà chít, bằng lăng tím, đặc biệt là loài xương rồng mọc trên đá.
Thác Thủy Tiên nằm ở phía Đông Bắc, cách Thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km, và cách trung tâm xã Tam Giang, huyện Krông Năng khoảng 7km. Đường vào thác Thủy Tiên là những con đường đèo uốn cong, băng qua những cánh đồng cà phê, cao su bao la bát ngát.
Thác Thủy Tiên trải dài tựa suối tóc của nàng tiên nữ – Ảnh: Tran Bao Hoa |
Đi sâu vào rừng, bạn sẽ ngất ngây giữa cảnh đại ngàn rộng lớn, ẩn hiện đâu đó là những con suối đang giấu mình sau những mảng lá rừng, yên bình, thanh thản. Tiếng chim hót líu lo, màu xanh bạt ngàn của núi đồi, tiếng suối róc rách như những bản tình ca. Tất cả tạo nên cái âm hưởng du dương, như gọi mời, như thôi thúc. Thấp thoáng đâu đó giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi, dòng thác Thủy Tiên uốn lượn vắt ngang rừng, như một nét chấm phá độc đáo trên bức tranh thủy mặc.
Nhìn ngắm từ phía xa xa, có đôi lúc thác Thủy Tiên êm đềm dịu dàng như suối tóc của người thiếu nữ Ê-đê. Nhưng cũng có những lúc nước chảy xuống bọt tung trắng xóa như khát vọng tình yêu ngàn năm không dứt của người con gái. Mỗi dòng thác ở Tây Nguyên đều gắn liền với một câu chuyện xa xưa đầy thổn thức. Thác Thủy Tiên cũng vậy, dòng thác tưởng như đầy thơ mộng ấy lại gắn liền với một huyền thoại tình yêu đầy đau thương và khao khát.
Vẻ đẹp thơ mộng của Thác Thủy Tiên – Ảnh: Ngo Minh Truc |
Giữa đại ngàn xanh thẳm, tiếng thác Thủy Tiên vang vọng khắp núi rừng, tiếng chim hót lảnh lót trên cây, tiếng cây rừng thì thầm qua kẽ lá. Tất cả như đang kể lại huyền thoại xa xưa ấy, hoang sơ mà thấm đẫm ân tình đến lạ lùng. Có lẽ vì thế bất kỳ ai du ngoạn tới vùng đất này đều không thể cưỡng lại vẻ đẹp của dòng thác Thủy Tiên thơ mộng.
3. Thác Dray Nur
Cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km theo hướng quốc lộ 14, băng qua những con đường uốn lượn quanh co, theo sườn núi ghé ngang thủy điện Buôn Kuôp đến chân thác Dray Nur. Quan cảnh bạt ngàn bao la trên đường đến chinh phục Dray Nur, một bên là núi, bên là thảm rừng xanh mướt vô cùng “lạ mắt” khiến ai cũng muốn một lần đến chiêm ngưỡng.
Màn nước mạnh mẽ, ào ạt đổ từ trên cao xuống, đầy phóng khoáng như tâm hồn của chính con người Tây Nguyên. |
Dray Nur là niềm tự hào của người Tây Nguyên. Ai đi xa thì nhớ, về gần thì thương. Tiếng thác đổ đêm ngày như sức mạnh của đại ngàn dội về, đầy kiêu hùng và dữ dội.
Từ độ cao hơn 30m, thác Dray Nur nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu.
Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long – Đray Nur – Dray Sáp của hệ thống sông Serepôk, được kết hợp giữa con sông đực Krông Nô và con sông cái Krông Ana.
Hang động phía sau thác. |
Xung quanh thác Dray Nur là những con suối nhỏ chảy róc rách uốn lượn qua những mỏm đá lô nhô. Thấp thoáng là những bông hoa lục bình tím rung rinh đưa mình theo gió. Du khách có thể thăm thú cảnh vật xung quanh thác rồi ghé nghỉ ăn trưa ngay tại các mỏm đá lớn bên cạnh thác hoặc ghé qua nghỉ chân tại các lán/chòi được dựng rải rác dọc đường đi.
Đến với thác Dray Nur, cảm giác đầu tiên sẽ là một ngọn thác hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác nên thơ. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m, trải rộng khoảng 150m nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
4. Thác Dray K’nao
Dray K’nao nằm trên dòng suối Ea Krăng, là hợp lưu của các con suối Ea Toong, Ea Tlư và Ea K’sumg. Thác đổ ra sông Krông Hding. Đầu nguồn của thác là đỉnh núi Cư Pă và dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ, gắn với nhiều huyền thoại. Xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột tới km 85, quốc lộ 26 sẽ có một con đường rẽ trái để đi vào thác. Ẩn mình dưới những tán cây rừng nguyên sinh, Dray K’nao trải dài gần 2km, hoang sơ, bí ẩn, thôi thúc, gọi mời.
Để xuống thưởng ngoạn được thác chúng ta phải đi xuống một hệ thống bậc tam cấp. Bậc tam cấp dốc, sâu, một bên là rừng thường xanh thăm thẳm với nhiều cây gỗ quý như: muồng đen, hương, cà te…, một bên là vách đất dựng đứng rêu phong phủ kín nhiều lớp, huyền ảo, đậm chất thời gian. Chính trong lúc đi xuống này chúng ta sẽ cảm nhận được cái hun hút, thăm thẳm của núi rừng đại ngàn, bầu không khí trong lành, mát dịu đưa chúng ta thoát khỏi những bụi bặm, ồn ao nơi phố thị, những lo toan, căng thẳng của cuộc sống hối hả cũng vì vậy dần tan đi, nhường chỗ cho sự thư thái, dễ chịu của cảm giác được hoà mình vào với thiên nhiên, đồng thời với đó là sự bí ẩn mong muốn được tìm hiểu, khám phá.
Không mạnh mẽ như Dray Sáp, Drai Kpơ, Dray K’nao mang trong mình một sắc thái riêng với dòng thác chảy dài hiền hoà, thơ mộng. Vượt qua những phiến đá to, tới vị trí trung tâm Dray K’nao bỗng dưng chia nhánh. Một nhánh là những đoạn địa hình đổ xuống thấp, nếu như theo thông lệ sẽ tạo thành những ngọn thác có nước đổ mạnh, bọt tung trắng xoá một góc trời nhưng nhờ những bãi đá ở phía trên đã góp phần phân tán dòng nước và cản bớt tốc độ dòng chảy làm dòng nước đổ xuống tuy cao nhưng không mạnh tạo thành những tấm lưới nước tuyệt đẹp. Một nhánh là dòng nước len lỏi qua bãi đá lớn, nhấp nhô, trùng điệp nối sang bờ phía Đông thác.
Tiếng nước chảy va đập vào đá tạo ra những âm thanh mạnh vang vọng trong không gian hun hút, mênh mang. Đây là đoạn rộng nhất của thác, vào mùa nước lớn, mặt nước ở đoạn này có thể rộng tới gần 200m. Điều này là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho Dray K’nao.
5. Thác Dray Sáp Thượng
Thác Dray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Ea Krông, cạnh buôn Kuôp thuộc địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 18km về phía Nam.
Đối với người Ê đê ở Buôn Kuôp, tên gọi D’ray Sáp đã gắn bó với họ từ bao đời nay, là cái tên tuyệt đẹp hiểu theo nghĩa tiếng Việt: “thác khói” – đặc tả làn khói nước huyền ảo nơi ngọn thác đổ xuống. Ngoài ra thác còn có tên gọi là Gia Long, gắn liền với sự kiện: Khoảng những năm 1935-1936, khi công du lên Đắk Lắk, Bảo Đại – vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn cùng thuộc hạ cưỡi voi vào rừng săn bắn.
Nhìn từ xa, thác Dray Sáp Thượng nổi bật một mà trắng xóa trên mặt nước bàng bạc của dòng sông Ea Krông. Hai bên dòng sông là một màu xanh mênh mông của núi rừng. Ngay khu vực thác, một hình ảnh thật hùng vĩ, gây ấn tượng mạnh mẽ đó là hình ảnh dòng sông Ea Krông, với làn nước trôi nhè nhẹ phía thượng nguồn, bỗng nhiên gấp khúc bởi một thềm đá chắn ngang cả dòng sông, rộng khoảng 70m. Nước sông ào ào dội xuống vực thẳm cao khoảng 08m, vang vọng cả một góc rừng.
Mùa mưa, nước ngập tràn mặt sông, chúng ta chỉ thấy một ngọn thác khổng lồ, dữ dội. Tuy nhiên, đến mùa khô lưu lượng nước sông vơi hẳn, tạo thành 09 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Trong số 09 ngọn thác, có 05 ngọn thác nằm phía giữa dòng sông cách nhau từ 05 đến 10m, có dòng nước ầm ầm đổ xuống, nhưng có dòng nước lại chảy róc rách nhẹ nhàng.
6. Thác Bìm Bịp
Thác Bìm Bịp cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km về hướng Đông Nam, thuộc địa phận buôn Năm Pă, xã Yang Tao, huyện Lắk.
Theo những người M’nông sống ở buôn Năm Pă, buôn Biếp (xã Yang Tao, huyện Lắk), sở dĩ thác có tên gọi là Bìm Bịp vì trước đây gần khu vực thác có một buôn của người M’nông sinh sống – Buôn Biếp, do vậy mọi người quen gọi là thác buôn Biếp. Sau này khi người Kinh vào đây sinh sống, thác buôn Biếp được gọi lệch thành thác Bìm Bịp, từ đó tên thác Bìm Bịp đã trở thành tên gọi phổ biến như ngày nay.
Ngoài ra thác còn được gọi là Liêng bôk săč, theo tiếng M’nông: Liêng có nghĩa là thác, bôk là đầu nguồn, săč là dòng nước phun lên, bay lên, do đó Liêng bôk săč là thác đầu nguồn có dòng nước phun lên rất đẹp.
Nằm giữa thung lũng núi non hiểm trở của dãy Čư Yang Sin, thác Bìm Bịp mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Từ trên đỉnh núi cao, dòng nước len lỏi trong cánh rừng đại ngàn của dãy Čư Yang Sin rồi tạo ra những tầng thác khác nhau, với thác cao, thác thấp, có ba thác chính, mỗi thác đều có vẻ đẹp riêng, phía dưới dòng chảy của các thác nước đã hình thành những hồ nước lớn nhỏ trong xanh.