Tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn khác nhau, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đang đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tích cực phát huy văn hóa truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, quảng bá du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Được lựa chọn làm điểm trong phát triển du lịch cộng đồng, buôn Ja có 196 hộ dân, 834 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Êđê sinh sống. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, buôn Ja cách UBND xã Hòa Sơn 2 km và nằm sát trung tâm thị trấn Krông Kmar, do đó dễ dàng kết nối với các điểm du lịch, như: suối Thanh niên, thác Krông Kmar… Đồng thời, người dân nơi đây còn giữ được môi trường tự nhiên tương đối hoang sơ cũng như văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê tại chỗ. Thời gian qua, từ sự vận động của chính quyền địa phương, các tuyến đường giao thông trong buôn đều được bê tông hóa sạch đẹp; công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế được quan tâm hỗ trợ, giúp đời sống người dân ngày càng ổn định.
Những ngôi nhà dài truyền thống đang được đầu tư hoàn thành tại buôn Ja (xã Hòa Sơn). |
Thông qua Chương trình hỗ trợ, phát triển du lịch vùng biên do Ngân hàng Châu Á (ADB) khởi xướng nhằm xây dựng một số buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến du lịch cộng đồng giai đoạn 2016 – 2020, buôn Ja được khảo sát để tiến hành hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở. Ông Mai Bá Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, đầu năm nay, dự án bắt đầu được triển khai, chính quyền xã đã tổ chức quy hoạch và phối hợp để thực hiện xây dựng 15 ngôi nhà dài và nhà vệ sinh, trang thiết bị bên trong nhà dài; nhà trưng bày; phục hồi lại bến nước, cổng chào buôn…, dự kiến các công trình sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay. Địa phương cũng phối hợp với các hội, đoàn thể, cán bộ buôn tổ chức tập huấn để triển khai dự án, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch; vận động người dân hiến đất làm đường xuống bến nước; phát quang bụi rậm, tạo cảnh quan thoáng mát trong buôn…
Xã đã chủ động tuyên truyền người dân xây dựng, phục hồi lại nhiều nét văn hóa truyền thống để đáp ứng cho kế hoạch phát triển du lịch. Do đó, hằng năm, địa phương đều phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho người dân và đã thành lập được đội cồng chiêng của người lớn tuổi (8 thành viên) và đội chiêng Kram của người trẻ (8 thành viên). Các đội thường xuyên luyện tập và tích cực tham gia nhiều chương trình, hội nghị của xã, huyện, từ đó góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng ra mắt Tổ dệt thổ cẩm của buôn, đến nay đã có 20 chị em tham gia. Với tay nghề thành thạo, các chị em đều tự dệt những sản phẩm thổ cẩm để phục vụ gia đình và bán cho khách hàng có nhu cầu. Đồng thời, ở buôn Ja còn nhiều gia đình giữ nghề nấu rượu cần truyền thống; hát dân ca Êđê; đan lát… Địa phương thường xuyên vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa và truyền nghề lại cho con cháu.
Người dân buôn Ja (xã Hòa Sơn) tích cực gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, người dân trong buôn đang dần thay đổi tư duy, nhận thức, chung tay cùng địa phương hoàn thành kế hoạch đề ra. “Với mong muốn không chỉ ghi dấu với khách du lịch bằng văn hóa, ẩm thực truyền thống độc đáo, mà còn bởi con người thân thiện, hiền hòa, mến khách, cán bộ buôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, để giúp mỗi người dân là một nhân tố tích cực, hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, tạo sự đồng lòng, gắn kết cộng đồng, sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho du khách trong thời gian tới”, già làng buôn Ja Rmah In chia sẻ.
Cũng theo ông Mai Bá Linh, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ mở ra cơ hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hiện địa phương đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất và lựa chọn những người uy tín, người trẻ tuổi có đam mê, tâm huyết với văn hóa, du lịch để triển khai tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; vận động người dân nâng cao nhận thức giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc… để tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian tới.