Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã thực hiện bộ ảnh “Chân dung voi nhà Đắk Lắk” để giới thiệu về voi thuần dưỡng (voi hoang dã nuôi nhốt, còn được người dân gọi là voi nhà) của tỉnh Đắk Lắk; tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk và trưng bày trực tuyến.
Tính đến tháng 8/2022, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 cá thể voi nhà, trong đó có 22 voi ở huyện Buôn Đôn, 14 voi ở huyện Lắk và 1 voi ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980; thời điểm đó, toàn tỉnh có 502 cá thể voi nhà. Có nhiều lý do cho sự sụt giảm này như việc bán voi đi các tỉnh thành khác, nạn tấn công voi để trộm ngà và lông đuôi voi, môi trường sống của voi bị thu hẹp và việc khai thác voi quá sức…
Đoàn Famtrip các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế , Đà Nẵng, Quảng Nam chạm thân thiện vào voi tại Buôn Đôn. |
Với mong muốn cộng đồng có cái nhìn tích cực về voi, xem voi như những cá thể với tính cách, lịch sử và câu chuyện riêng, chứ không xem voi như vật cưỡi hay vật trưng bày; khơi gợi sự hứng thú và yêu thích của cộng đồng về voi, từ đó thúc đẩy cộng đồng cùng hành động bảo vệ voi đang trong tình trạng nguy cấp, AAF đã thực hiện bộ ảnh “Chân dung voi nhà Đắk Lắk”. Bộ ảnh gồm 37 tấm, tương ứng với 37 phần giới thiệu kèm ảnh của các cá thể voi nhà trong tỉnh, nhằm ghi lại khoảnh khắc của voi trong bối cảnh hoạt động hằng ngày tính đến tháng 7/2022. Mỗi cá thể voi là duy nhất, có tính cách, lịch sử và câu chuyện riêng biệt.
Với thông điệp, không chỉ là bức ảnh mà đó còn là những câu chuyện, những bức ảnh mang đến cho người xem những hình ảnh độc đáo về cuộc sống hằng ngày của các chú voi, nguồn gốc, thông tin cho đến tính cách. Đơn cử như voi Y Khun (nghĩa là may mắn) là một cô voi ưa thích sự sạch sẽ và không gian riêng, rất kén chọn trong việc ăn uống, nếu nước có mùi lạ thì sẽ không uống. Cô voi này thường chỉ chọn những thức ăn ngon nhất, bởi vậy thể trạng luôn được duy trì tốt. Y Khun là bạn thân của cô voi Bun Khăm, hai cô quấn quýt khó rời, Y Khun giống như là chị lớn của Bun Khăm vậy.
Hay câu chuyện về voi H’Blú, từng có một thời gian làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, vì bị kiệt sức nên được đưa về chăm sóc tại huyện Lắk. H’Blú được đưa về chăm sóc tại Vườn Quốc gia Yok Đôn từ tháng 12/2021, sức khỏe và tinh thần của voi đã được cải thiện rất nhiều so với trước kia. Từ chỗ kén ăn, chỉ quen ăn những thức ăn mà con người mang tới cho, nay H’Blú đã lấy lại được bản năng loài voi, tự biết tìm thức ăn và cây thuốc trong rừng.
Hình ảnh và câu chuyện của voi Y Khun thông qua bộ ảnh. (Ảnh chụp màn hình) |
Thêm cả chàng voi Y Ghen, theo tiếng M’nông có nghĩa là con đực có ngà bên trái. Y Ghen tính tình vui vẻ, hòa đồng với cả người và voi, trừ mùa động dục. Ngoài những lúc “đi làm”, voi thường quanh quẩn ở đồi Tâm Linh tại Khu du lịch sinh thái Ánh Dương và không đi xa, ngay cả khi đứt xích. Trước khi về Ánh Dương, Y Ghen từng đi làm ở xã Ea Wer (cách nơi ở hiện tại 18 km). Trong một lần đi vào thác, voi vấp đá té và chọc ngà xuống đá, bị hư đến tủy. Một tháng sau, ngà rụng và không mọc lại. Từ đó, Y Ghen chỉ còn một ngà. Quản tượng Y Thế gắn bó với Y Ghen từ năm 2007 cho đến nay…
Các bức ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk và triển lãm trực tuyến tại đường link: https://sites.google.com/animalsasia.org /chandungvoinhadaklak2022. |
Đó là 3 trong 37 câu chuyện về các cá thể voi còn lại ở Đắk Lắk. Chị Đoàn Thị Thanh Thanh (Cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á) chia sẻ: “Thông qua bộ ảnh và câu chuyện của voi, chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng chú ý đến tình trạng của voi nuôi nhốt tại tỉnh Đắk Lắk và hành động góp phần bảo vệ voi. Hy vọng ngày càng nhiều người nhận thức đúng về tình trạng của voi, chia sẻ thông tin đúng về voi với bạn bè và người thân; ưu tiên ủng hộ du lịch thân thiện với voi, ngắm voi trong tự nhiên thay thế cưỡi voi và không sử dụng các sản phẩm từ voi”.
Chị Thanh cho biết thêm, trong quá trình thực hiện bộ ảnh, các chủ voi và nài voi rất thân thiện và sẵn lòng chia sẻ câu chuyện về voi cũng như khó khăn họ đang gặp phải trong việc nuôi và chăm voi. Sự gắn bó lâu dài cũng như tình cảm dành cho voi, các chủ và nài voi hy vọng khắc phục được những khó khăn để mang đến cho voi cuộc sống tốt đẹp hơn.