Việt Nam định hướng phát triển du lịch theo xu hướng xanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Du lịch từng bước phục hồi và bứt phá
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 15.400 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Chỉ trong tám tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt gần 80 triệu lượt, vượt xa so với mục tiêu đón 60 triệu lượt cả năm 2022. Con số này gần bằng lượng khách du lịch nội địa cả năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao. Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngay sau khi du lịch nội địa và quốc tế được mở lại hoàn toàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã chủ trì, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức một loạt các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao nổi bật để khởi động lại hoạt động. Trong đó đáng chú ý là Hội nghị chính thức phát động mở lại hoạt động du lịch Khai mạc Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022; Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội; Diễn đàn phát triển du lịch Kon Tum và Du lịch Việt Nam ở Quảng Ninh.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfoot Travel chia sẻ: “Hoạt động du lịch phục hồi toàn diện, mạnh mẽ cũng đã thúc đẩy doanh thu du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Sự phục hồi của du lịch đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lượt lao động cả trực tiếp và gián tiếp”.
Gần đây nhất, theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 3 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng hơn 48 lần so với cùng kỳ năm ngoái do các đường bay quốc tế đã khôi phục trở lại.
Trong quý III, lượng khách du lịch đến từ châu Á cao nhất với hơn 918.000 lượt khách, tăng hơn 44 lần sao với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc là nơi có lượng khách du lịch cao nhất với hơn 381.000 lượt người.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA tổ chức tại TP.HCM vừa qua, Việt Nam đã được trao 46 giải thưởng khác nhau, thể hiện sự hấp dẫn, uy tín của ngành du lịch nói chung và các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng trên phạm vi thế giới.
“Trong bối cảnh và xu hướng chung phục hồi du lịch khu vực và trên thế giới, với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới,” Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Hướng tới du lịch xanh và bền vững
Phát triển du lịch xanh là xu hướng chung trên toàn thế giới hiện nay, do những giá trị mà nó mang lại về kinh tế và văn hóa xã hội. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, con người hòa đồng thân thiện, là điểm đến của nhiều du khách.
Tại Việt Nam, xu hướng phát triển du lịch xanh mới trong giai đoạn khởi đầu nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Chẳng hạn như hơn 20 đơn vị tổ chức ở Hội An đã liên kết thành một cộng đồng làm du lịch xanh. Họ chia sẻ cùng nhau về xử lý rác hữu cơ, làm đồ tái chế, loại bỏ đồ dùng một lần.
Không chỉ Hội An, một số địa phương trên cả nước đã đưa ra định hướng phát triển du lịch xanh nhằm thu hút lượng lớn du khách sẵn sàng chi tiền cho các trải nghiệm xanh, ví dụ như Huế phát triển du lịch xanh dựa trên tiềm năng di sản. Du khách tới Huế giờ đây có thêm trải nghiệm như tour đạp xe thăm nhà vườn Đại nội… Hay tại Phú Quốc, với chuyển hướng trở thành điểm đến giảm nhựa từ năm 2020, địa phương giờ đang có sự chuyển dịch trong cả dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các khách sạn và nhà hàng không dùng đồ nhựa một lần bắt đầu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển toàn cầu. Đây cũng là hướng đi tất yếu để ngành du lịch phát triển bền vững. Du lịch xanh ở nước ta đang được đẩy mạnh khai thác, các địa phương xây dựng nhiều sản phẩm mới, song cũng đối diện không ít rào cản do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái là một cách đảm bảo thịnh vượng của du lịch. Trong kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 do Chính phủ phê duyệt, du lịch xanh trở thành điểm nhấn phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương.
Chính vì vậy, việc phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững thực sự cần thiết và đây cũng là định hướng lâu dài trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
Đánh giá về tầm quan trọng của loại hình du lịch xanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng: “Muốn điểm đến trở thành nơi du khách muốn đến, muốn quay trở lại yếu tố quan trọng chính là chất lượng của môi trường, chất lượng cuộc sống, sự ứng xử với khách du lịch. Những chỉ số xanh tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn trở thành nguồn tài nguyên quý giá thu hút du khách”.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng cho rằng, đối với vấn đề phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, nếu chỉ xét về tiêu chí môi trường thôi chưa đủ, mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở điểm đến. Đó là sự phát triển bền vững. Phát triển du lịch cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho người dân. Nếu chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp mà người dân không được hưởng nhiều thì sẽ dẫn đến xung đột, bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân.