Với chủ đề “Buôn Ma Thuột- Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 10/3 đến 14/3/2023 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Hoa cà phê.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước với khoảng 210 ngàn ha về diện tích và đạt hơn 250 ngàn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk- Buôn Ma Thuột xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vài trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Qua 07 lần tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Sau 2 lần được Chính phủ đồng ý dừng tổ chức vào các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2023 Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ được UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định tổ chức lại vừa để kế thừa và phát huy kết quả của 07 Lễ hội trước đã đạt được, đồng thời để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, góp phần phục hồi kinh tế- xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có gần 20 sự kiện, hoạt động chính góp phần khẳng định thương hiệu của một Lễ hội lớn không chỉ ở Đắk Lắk- Buôn Ma Thuột mà còn mang tầm khu vực Tây Nguyên và cả nước về lĩnh vực cà phê.
Cuộc thi pha chế cả phê tại lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7.
Theo Đề án tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 21/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk), tại Lễ hội lần này ngoài Lễ khai mạc, bế mạc sẽ được dự kiến truyền hình trên các kênh VTV1, VTV4, VTV5, VTV8 và các đài Phát thanh- Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên (lễ khai mạc lúc 20h ngày 10/3/2023 và lễ bế mạc lúc 20h ngày 14/3/2023) ngoài phần nghi thức là chương trình văn nghệ với các tiết mục nghệ thuật được diễn ra thông qua hình thức sân khấu hoá truyền thống kết hợp với hiện đại, có các nghệ sĩ tên tuổi của Tây Nguyên thành danh trình diễn, truyền tải thông điệp Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột là điểm đến của thế giới; tại Lễ hội lần này còn có 16 sự kiện, hoạt động lớn khác rất đáng chú ý.
Cụ thể, với nhóm các hoạt động triển lãm, hội thảo sẽ có 05 hoạt động lớn gồm: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội thảo phát triển cà phê; Hội nghị kết nối giao thương quốc tế; Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hoá cà phê Việt Nam” và “Lịch sử cà phê thế giới” cùng sự kiện Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ 2; Triển lãm trưng bày, Hội thi Sinh vật cảnh Đắk Lắk.
Cạnh đó, với nhóm các hoạt động quảng bá, tôn vinh sẽ có 07 hoạt động chính gồm: Lễ hội đường phố; Hội thi Nhà nông đua tài; cuộc thi Pha chế cà phê đặc sản; Lễ hội ánh sáng; Ngày hội cà phê miễn phí; Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột.
Cùng với 02 nhóm hoạt động chính trên là nhóm các hoạt động hành trình du lịch. Theo đó, nhóm này có 04 hoạt động lớn là: Hội Voi Buôn Đôn; Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk; tổ chức tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới; biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Đăm Săn”.
Chú trọng quảng bá, giới thiệu tiềm năng về cà phê
Trong các hoạt động chính kể trên, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tại Lễ hội lần này Ban tổ chức sẽ nỗ lực thúc đẩy quảng bá, giới thiệu tiềm năng về cà phê của Đắk Lắk- Buôn Ma Thuột nói riêng, của Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Trong đó, liên quan đến hoạt động Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê (diễn ra từ ngày 10-14/3/2023) có chủ đề: “Cà phê Buôn Ma Thuột- Vững bước hội nhập”, dự kiến quy mô từ 400- 500 gian hàng tiêu chuẩn với chủ đạo là trưng bày sản phẩm cà phê, các sản phẩm liên quan đến ngành hàng cà phê và sản phẩm của các nhà tài trợ. Đồng thời bên lề của hoạt động này còn có trao giải thi gian hàng đẹp, ấn tượng vào ngày bế mạc Hội chợ, Hội thi cà phê Idol, phe chế cà phê…
Người dân TP Buôn Ma Thuột phơi, sơ chế cà phê (ảnh chụp lại từ triển lãm Ảnh cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7).
Hội thảo phát triển cà phê (diễn ra vào ngày 12/3/2023), hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị tổ chức họp bàn, sau đó xin ý kiến Ban tổ chức Lễ hội trước khi làm việc với Bộ NN&PTNT thống nhất chủ đề, nội dung, kinh phí tổ chức. Đồng thời giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai, mời Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VICOFA, các chuyên gia quốc tế, các địa phương và các sở, ngành có liên quan.
Với Hội nghị kết nối giao thương quốc tế (ngày 11/3/2023) sẽ diễn ra các hoạt động như: Gặp mặt các nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước tại TP Buôn Ma Thuột năm 2023 trong chương trình Lễ hội; tham luận của các chuyên gia, các nàh xuất khẩu, nhập khẩu về tiềm năng của cà phê Việt Nam nói chung và của Đắk Lắk nói riêng; trưng bày giới thiệu các sản phẩm bên lề Hội nghị; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác có liên quan cũng sẽ tổ chức tập trung quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc về văn hoá cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên và Việt Nam nói chung./.