“Già làng tuyên bố: Lễ kết nghĩa mẹ con đã được tiến hành dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình, Hyum Niê và Y Vâng Brông chính thức là mẹ – con”. Nói đến đây, người có uy tín trong bản đứng lên, bắt đầu mời rượu cần. Thể hiện sự kính trọng với người mẹ mang nặng đẻ đau, người phụ nữ được mời rượu cần đầu tiên, tiếp đó trao cho những người kế tiếp trong hai bên dòng họ. Rồi hồi chiêng vang lên chúc mừng hoàn thành nghi lễ, nối tiếp là bài múa xoang truyền thống thể hiện niềm vui chúc mừng.
“Lễ kết nghĩa mẹ con” được các nghệ nhân Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk tái hiện trong tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022. Đến nay, phong tục này của người Ê Đê vẫn được gìn giữ phổ biến.
Theo một nghi thức kết nghĩa đầy đủ, chủ nhà sẽ chuẩn bị 10 ché rượu cần, một con heo thiến, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị. Người được kết nghĩa phải có mặt trước 5 giờ sáng chứng kiến chủ nhà mổ heo, chuẩn bị các lễ vật, buộc ché rượu cần, gùi nước, chặt lá chuối.
Tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu, mọi người ổn định chỗ ngồi theo phong tục, phụ nữ được ưu tiên ngồi bên phía Nam của căn nhà, còn đàn ông ngồi bên phía Bắc. Hai người được kết nghĩa ngồi bên mâm cơm cúng và các lễ vật để người chứng giám (thầy cúng, già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong thôn bản) tiến hành nghi lễ.
Nghệ nhân Hyum Niê, buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột cho biết, sau lễ kết nghĩa, người được kết nghĩa sẽ chính thức trở thành thành viên mới của gia đình và dòng họ nhận kết nghĩa.
“Nghi thức kết nghĩa đầy đủ là vậy nhưng nếu nhà người được kết nghĩa khó khăn, mà vẫn muốn đến với nhau bằng tình cảm thì vẫn tổ chức lễ kết nghĩa, chỉ cần mời đầy đủ dòng họ hai bên và có người chứng giám, không cần lễ vật cầu kỳ. Bởi vì tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, không vụ lợi”, nghệ nhân Hyum Niê nói.
Mang tính giáo dục cộng đồng
Quan niệm của người Ê Đê, mối quan hệ gia đình và dòng họ không chỉ được xây dựng trên cơ sở quan hệ huyết thống, họ hàng mà còn qua sự liên kết giữa những người trùng họ, khác họ trong cùng dân tộc hoặc khác dân tộc. Lễ kết nghĩa thường được xây dựng theo quan hệ cha mẹ – con cái, anh – em, chị – em.
Theo nghệ nhân Hyum Niê, người được nhận kết nghĩa thường sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định về tinh thần và vật chất. Chẳng hạn, khi kết nghĩa mẹ con, người mẹ phải có trách nhiệm bảo ban, chỉ dạy, yêu thương quan tâm người con. Ngược lại, người con kết nghĩa cũng phải biết kính trọng, chăm sóc mẹ. Việc kết nghĩa này có thể ở cùng làng hoặc làng khác, thậm chí cách xa về địa lý.
Phụ nữ Ê Đê đã có gia đình, con cái đầy đủ nhưng vẫn muốn có một đứa con kết nghĩa, có thể họ neo đơn, ít con nên muốn có thêm con để con cái đông vui, để có chỗ dựa lúc về già. Hoặc có trường hợp bố mẹ đẻ của con nuôi ở xa, không có điều kiện gần gũi chăm sóc con, hay đã mất thì người mẹ nuôi sẽ thay thế, bảo ban, chăm sóc con nuôi như con đẻ của mình.
Nghệ nhân Y Blăng Kbuôr, buôn Kbuôr, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột cho rằng, chính sự cởi mở này đã nói lên sự coi trọng tình cảm của người Ê Đê. Sau nghi lễ, hai người kết nghĩa sẽ thành một dòng máu, như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, bảo ban nhau làm ăn, bảo vệ nhau đến đời con cháu mai sau.
“Điều này thể hiện ước muốn mọi người sống chan hòa thân thiết và gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp”, nghệ nhân Y Blăng Kbuôr nói.