“Sắc tứ Khải Đoan tự” là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Tây Nguyên và là ngôi chùa cuối cùng được phong Sắc tứ ở Việt Nam.
Chùa sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự) là ngôi chùa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và là một trong những ngôi chùa lớn nhất Tây Nguyên, nằm ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Toàn bộ ngôi chùa gồm cổng chính (cổng tam quan) hướng về phía Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa vào khu phố; đây là thế “tiền thủy hậu sơn” theo quan niệm phong thủy truyền thống của kiến trúc cổ Việt Nam.. Tam quan mang tính nghi lễ của chùa quay ra đường Quang Trung, nhưng lối đi chính thường xuyên lại ở phía sau chùa nằm trên đường Phan Bội Châu |
Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng khoảng 4 ha, hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên và cây xanh. Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 trên đường Phan Bội Châu do Đoan Huy hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) cho xây dựng và thứ phi Mộng Điệp trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên; tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và Đoan Huy hoàng hậu. |
Năm 1953 – đời vua Bảo Đại, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà Hậu Tổ, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan”. Thời điểm này, mặc dù triều Nguyễn đã kết thúc, nhưng Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của quốc gia Việt Nam (miền Nam) và với định chế Hoàng triều Cương thổ ở Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) thì Bảo Đại vẫn là hoàng đế của vùng đất này. Và đây là Sắc tứ cuối cùng của một vị vua ban cho một ngôi chùa Phật giáo. |
Chính điện là công trình lớn nhất và là điểm nhất của Sắc tứ Khải Đoan tự. Chính điện rộng 320 m² gồm hai phần, phần trước ảnh hưởng kiến trúc theo kiểu nhà dài của người Ê Đê nhưng cột kèo lại theo lối nhà rường của Huế. Các công trình kết nối với nhau hài hòa với kiến trúc ấn tượng. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy. Diện mạo chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu năm 2012. |
Chính giữa phía trước chính điện có một sảnh được xây bằng đá với cầu thang hai bên… |
….phía trên là tượng Phật Thích Ca bằng đá trắng. |
Xung quanh điện thờ là hành lang dài, rộng. Vách và cửa gỗ được chạm trổ công phu hình ảnh đức Phật, La Hán, Bồ Tát và những hoa văn mang màu sắc Phật giáo. |
Hai bên tả – hữu chính điện có lầu trống và lầu chuông. Lầu chuông treo đại hồng chung cao 1,15m, nặng 380kg, do các nghệ nhân phường đúc đồng ở kinh thành Huế hoàn thành vào tháng 1-1954. Đây là bảo vật hiến cúng của Hoàng tử Bảo Long và Bảo Thăng (con vua Bảo Đại). |
Nội thất điện thờ có nhiều ô cửa thông thoáng, sử dụng kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” đặc trưng của cung đình Huế, tức là hai nếp nhà với hai hệ mái nối liền với nhau để mở rộng không gian. |
Điện thờ Phật có 5 gian với hệ thống tượng bằng đồng, được bài trí tôn nghiêm trên bệ thờ bằng gỗ quý. Ở giữa tôn trí tượng đức Phật A Di Đà và đức Phật Thích Ca, hai phía là tượng bốn vị Bồ Tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù và Phổ Hiền. Các pho tượng đều được đúc bằng đồng, đặt trên bệ thờ bằng gỗ quý. |
Bên hữu chính điện có tòa nhà tàng kinh các – một công trình hai tầng hoàn toàn bằng gỗ với hai tầng mái. Tầng 1 là nơi nghỉ ngơi… |
…Tầng 2 là thư viện kinh sách được lưu trữ khoa học. |
Sau chính điện là nhà hậu Tổ. Công trình có cấu trúc giống chính điện với tầng 1 được xây bằng gạch, đá; tầng 2 bằng gỗ và phía trước có một sảnh nhưng kiến trúc đơn giản hơn. |
Điện thờ nhà hậu Tổ đặt trên tầng 2, nội thất bằng gỗ cũng kiểu nhà rường ở Huế. Ở gian giữa, phía trước đặt ban thờ và tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, phía sau là nơi thờ các vị trụ trì chùa và những cao tăng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Tây Nguyên. |
Phía trước điện thờ nhà Hậu Tổ, trên mái sảnh là tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử xanh, được tạc bằng đá trắng. |
Các bộ phận kiến trúc của Chùa Khải Đoan đều được xây dựng, trang trí chạm trổ tinh xảo. |
Trong khuôn viên chùa còn có một số hạng mục khác có quy mô nhỏ hơn như cây Bồ đề do Đại đức Narada tặng chùa Khải Đoan năm 1962, dưới cây có tượng Phật Thích Ca tọa thiền; Công đức tạng – kiến trúc tưởng niệm công đức tiền bối và cũng là nơi an trí nhục thân cố hòa thượng Thích Quang Huy, trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan (1963 – 1993); Quan Âm các – một công trình kiến trúc độc đáo. |
Chùa Khải Đoan được coi là cái nôi Phật giáo của tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên, vì thế còn được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh. Chùa cũng là trụ sở của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk. Với lịch sử đặc biệt và kiến trúc độc đáo, đây là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng và linh thiêng nhất Tây Nguyên, mỗi năm đón đến hàng vạn Phật tử về hành hương cũng như các du khách ghé thăm. |