TP. Buôn Ma Thuột đang xây dựng Đề án “Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (Lễ hội) là dịp để chính quyền, người dân và doanh nghiệp địa phương cho bạn bè bốn phương thấy hình ảnh một thành phố văn minh, thân thiện và mến khách.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là hưởng ứng Lễ hội, TP. Buôn Ma Thuột đã đưa vào hoạt động ứng dụng (App) cà phê và du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng đến người dân và du khách về thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, con người, tạo dựng hình ảnh về tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng năng động, văn minh, thân thiện, mến khách.
App cà phê và du lịch giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn quán cà phê, cơ sở lưu trú, điểm du lịch và ẩm thực yêu thích theo phong cách, loại hình phục vụ; đồng thời, hỗ trợ tính năng chỉ đường giúp người dùng dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian để tìm đến địa điểm mong muốn…
Với những thông tin được cập nhật chính xác, chi tiết, hình ảnh sinh động và chỉ dẫn rõ ràng, ứng dụng cà phê và du lịch sẽ giúp du khách, người dùng chọn lựa được một địa điểm phù hợp nhất tại địa phương, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Lễ hội.
Du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột sẽ cảm nhận được sự thân thiện, mến khách ở thành phố này. (Trong ảnh: Hoa hậu H’Hen Niê thân thiện với du khách trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019). |
Dịp Lễ hội, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE sẽ mời người dân và du khách thưởng thức 50.000 ly thức uống đặc sản địa phương, trong đó có 30.000 ly sô cô la và 20.000 ly cà phê tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn – Làng Đảo (huyện Buôn Đôn). Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE chia sẻ: “Là một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh ngành hàng cà phê và sô cô la trên địa bàn, chúng tôi muốn chung tay đóng góp cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh đẹp của thành phố đến du khách và cả người dân, đa dạng hóa lựa chọn cho du khách trong dịp Lễ hội ngoài thưởng thức cà phê”.
Tương tự, tại lễ hội lần này, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Simexco Coffee Tour” từ ngày 10 đến 14/3/2023 tại đường Phan Đình Giót. Chương trình được tổ chức bằng xe lưu động và gian hàng di động. Du khách không chỉ được thưởng thức cà phê miễn phí mà còn tham gia các hoạt động: trải nghiệm cà phê đặc sản, trình diễn pha chế cà phê, talkshow về chủ để “Yêu cà phê – Yêu Ban Mê”, triển lãm tranh, âm nhạc đường phố. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chuỗi sự kiện nhằm lan tỏa, giúp người dân và du khách đến với Lễ hội sẽ có thêm địa điểm trải nghiệm văn hóa cà phê, khám phá Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Cùng với các doanh nghiệp, nhiều người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng hình ảnh một thành phố thân thiện, mến khách. Chị Hoàng Thị Thu Thái (chủ quán cà phê Kafeine, đường Thăng Long, phường Tự An) cho hay, lễ hội năm nay, quán của chị tham gia chương trình uống cà phê miễn phí vào ngày 10/3. Điều này thể hiện sự chung tay với địa phương góp phần vào thành công của Lễ hội, nhất là tạo ấn tượng tốt đối với du khách đến với thủ phủ cà phê. Chị cũng mong muốn rằng, nếu khả năng cho phép và được hỗ trợ một phần thì quán của chị sẽ miễn phí cà phê cho khách trong suốt Lễ hội chứ không phải chỉ riêng ngày 10/3.
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, đường Phan Đình Giót sẽ là tuyến phố cà phê miễn phí cho du khách. |
Để tạo ấn tượng về thành phố thân thiện, mến khách, trước thềm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các phường, xã tập trung phối hợp thực hiện các giải pháp tạo mỹ quan đô thị để thu hút khách du lịch. Cụ thể, thành phố không để tình trạng người ăn xin lang thang trên những tuyến phố, vỉa hè, công viên, chợ… Bên cạnh đó, địa phương yêu cầu sửa chữa, dẹp bỏ những bảng quảng cáo, tuyên truyền xuống cấp, gây mất mỹ quan; đồng thời, bảo đảm trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè; giữ vệ sinh môi trường, tăng cường tần suất quét dọn, thu gom rác, xử lý triệt để các bãi rác tập kết sai quy định. Đối với công tác giữ xe tại Lễ hội, các đơn vị liên quan sẽ công khai các điểm và mức áp giá theo quy định.
UBND tỉnh đã công bố “Bộ quy tắc ứng xử người Đắk Lắk Văn minh – Thân thiện – Mến khách”. Bộ quy tắc này góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng xử, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước tạo được niềm tin, sự hòa đồng, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối với khách đến sinh sống, học tập, tham quan du lịch. |