Với sự đa dạng về văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh, huyện Ea Kar có đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Khơi dậy, kết nối, phát huy những thế mạnh riêng có đang là hướng đi để Ea Kar phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Sức hút từ ngày hội văn hóa
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II năm 2023 trong chuỗi các sự kiện, hoạt động hưởng ứng, quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 vừa qua đã có nhiều hoạt động mới, hấp dẫn bên cạnh hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, đêm lửa trại, trò chơi dân gian và các cuộc thi.
Điểm nhấn của ngày hội là lần đầu tiên huyện Ea Kar tổ chức phục dựng Lễ cúng sức khỏe cho người dân trong buôn làng của đồng bào dân tộc Êđê nhánh Drao do người bản địa ở buôn M’Um (xã Cư Prông) thực hiện. Đồng thời, huyện cũng tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm thác Dray Y Bar, hồ Ea Dê, hồ Ea Kar…
Giải đua thuyền được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II năm 2023. |
Để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách, ngoài hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn, lần đầu tiên huyện Ea Kar đã vận động các hộ người Êđê ở xã Cư Huê và người Nùng An ở xã Cư Prông sử dụng nhà sàn truyền thống làm nơi lưu trú. Theo Chủ tịch UBND xã Cư Prông Vũ Ngọc Dương, dịch vụ lưu trú cộng đồng này không chỉ giúp du khách thêm cơ hội tìm hiểu về nét đẹp của nhà sàn truyền thống, về văn hóa, phong tục tập quán từ chính những hướng dẫn viên “cây nhà lá vườn” mà còn là cơ hội để người dân địa phương “tập” làm du lịch.
Xác định ngày hội chính là cơ hội để quảng bá, giới thiệu các sản vật địa phương, tạo tiền đề phát triển du lịch trang trại nông nghiệp, huyện đã vận động 18 cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn OCOP, như: gạo ST25, nhãn hương chi, vải thiều, yến sào, rượu đông trùng hạ thảo, bưởi da xanh, các loại trái cây sấy khô, trà thảo mộc, tinh bột nghệ, cà phê bột, hạt mắc ca… thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu, mua sắm.
Biết thông tin huyện Ea Kar tổ chức ngày hội, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phát (dân tộc Nùng) ở thôn 2B (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) đã nghỉ một ngày làm rẫy đến chung vui. Bà Phát cho hay: “Ngày hội đông vui quá, người ở khắp nơi đổ về. Ở thôn 2B không chỉ có vợ chồng tôi mà rất nhiều người cùng rủ nhau đi. Tôi mua được nhiều thứ, thưởng thức món heo quay và cả các loại bánh truyền thống của dân tộc Nùng”.
Phát huy thế mạnh của địa phương
Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, huyện Ea Kar có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm Quốc lộ 26, Quốc lộ 29, nhất là đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột khi hình thành sẽ đi qua địa bàn huyện, kết nối Ea Kar với các trung tâm du lịch biển, đảo lớn của cả nước như Nha Trang, Phú Yên. Ea Kar cũng có nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc bởi đây là nơi hội tụ 28 dân tộc cùng sinh sống, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Thêm vào đó, trên địa bàn huyện còn có nhiều thắng cảnh đẹp, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thác Drai Y Bar, thác Dray K’pơr, hồ Thủy điện Krông H’năng, đập chứa nước Ea Rớt, đập Krông Pách thượng và đặc biệt là hồ Ea Kar – đồi Cư Cúc, hồ Ea Knốp… và những di tích lịch sử, như: Nhà truyền thống Sư đoàn 333 – nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đến thăm và công tác, Tượng đài Thành quả 333, Quân khu V (thị trấn Ea Knốp), buôn căn cứ cách mạng – buôn Trưng (xã Cư Bông)… Với những tiềm năng, lợi thế trên, huyện Ea Kar có đầy đủ điều kiện phát triển du lịch với nhiều loại hình phong phú như: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…
Du khách tham quan, tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được trưng bày tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II năm 2023. |
Để thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xứng tầm đô thị trong tương lai, huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Ea Kar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch huyện Ea Kar giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, huyện đã tiến hành phục dựng, phát huy các nghi lễ, lễ hội truyền thống, thành lập các đội cồng chiêng, câu lạc bộ đàn tính, hát then, tổ chức các lớp dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, giải đua thuyền… phục vụ du khách tham quan. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất các điểm du lịch, tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết, bên cạnh các hoạt động đã triển khai, thời gian tới, huyện tập trung lập quy hoạch chi tiết về các điểm du lịch của địa phương, tăng cường kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, vận động người dân xã Cư Yang làm du lịch homestay tại khu vực đập Krông Pách thượng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, chương trình du lịch, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm du lịch cộng đồng…
Tổng kinh phí thực hiện phát triển du lịch huyện Ea Kar giai đoạn 2022 – 2025 dự kiến trên 520 tỷ đồng từ ngân sách huyện và xã hội hóa. Nguồn kinh phí này để thực hiện công tác quy hoạch, các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực… |