Các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ ở TP.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn khách, nhân sự, tiếp cận vốn ngân hàng, ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế…
Chiều 23/3, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, một trong những lợi thế so sánh của ngành du lịch thành phố so với các tỉnh, thành phố khác là hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp với hơn 3.227 cơ sở lưu trú các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh.
Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, tương ứng với 17.613 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng với hơn 48.000 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn.
Đối với hệ thống khách sạn từ 4-5 sao trên địa bàn, trong năm 2022 công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022.
Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: vấn đề về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số của khách sạn nhỏ và vừa còn hạn chế nên tính cạnh tranh không cao…
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và rất ít khả năng quay lại. Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, TP.HCM xuất hiện khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.
Đề cập đến những khó khăn trong một năm vừa qua, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện cho đơn vị khách sạn A25, Quận 1 cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn.
Bà Loan dẫn chứng, trong 3 năm dịch bệnh, A25 đã đóng cửa ít nhất 2 năm. Mở cửa trở lại khoảng 1 năm trở lại đây, cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm; các chi phí điện nước, vốn vay nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất. Chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ tiền thuê ở mức cho phép, chi phí trả lương nhân viên ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn.
Bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện khách sạn Wink chia sẻ, Covid-19 cùng sự suy thoái của kinh tế trong và sau dịch dẫn đến hàng loạt thị trường khách du lịch lớn và trọng điểm phải đóng cửa. Đồng thời, những yếu tố này cũng thay đổi hành vi khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Thực tế, thị trường du lịch TP.HCM đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình kinh doanh, giữa loại hình kinh doanh truyền thống và loại hình đặt phòng qua trang bán phòng online (Booking, Agoda, Traveloka…), kinh doanh phá giá, tự ý “phong sao” trong chưa đủ tiêu chuẩn…
Mặt khác, nhiều cơ sở kinh doanh truyền thống hạn chế về công nghệ quảng bá, tiếp thị, trải nghiệm cho khách hàng, chậm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nên doanh số bán phòng và mức độ thu hút khách lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đang gặp những khó khăn nhất định về quy định thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy (do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực).
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận 1 cho biết, quận đang phối hợp liên ngành xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế dịch vụ cho quận 1; xây dựng các phương án về việc tái tổ chức hoạt động chợ Bến Thành; tổ chức các hoạt động thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Lê Lợi…
Bên cạnh đó, chính quyền quận 1 cũng đang tiếp tục nghiên cứu và dự kiến triển khai những sản phẩm du lịch về đêm mang tính đặc thù, truyền thống của địa phương như: Giải chạy đêm quận 1 – Distrist 1 run midnight; lễ hội tại các đền, đình; hoạt động góc phố ngày Tết… hướng đến gia tăng sự trải nghiệm và thu hút du khách đến lưu trú tại quận 1 nói riêng, TP.HCM nói chung.
Do đó, bà Nguyễn Thị Thúy Loan kiến nghị nhà nước có chính sách giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hiện nay, giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ là cao nhất trong các khung giá. Bên cạnh đó, kiến nghị giảm giá nước sinh hoạt và chi phí Internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú, cũng như dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tái đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện chuyển đổi số và nâng cao chất lượng dịch vụ,…
Trước thực trạng trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, đối với nhóm khách sạn chưa được xếp hạng, Sở Du lịch sẽ phối hợp với địa phương tổ chức rà soát làm cơ sở số liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới, tổ chức ngày hội việc làm ngành du lịch tại Ngày hội Du lịch TP.HCM từ ngày 6-9/4/2023 tới.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ được giao về việc xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách…, ngành du lịch cần tìm ra giải pháp cụ thể phát triển hiệu quả lĩnh vực khách sạn trong năm 2023 và những năm tiếp theo phù hợp với định hướng, chủ trương của chính quyền thành phố.