Dịp nghỉ Lễ 30/4 -1/5 sắp đến sẽ đặt thêm những yêu cầu nào với du lịch Đắk Lắk, qua các kế hoạch phục hồi sau đại dịch và đón đầu luồng du khách đến cao nguyên? Trong đó, các điểm nhấn đô thị như TP. Buôn Ma Thuột liệu có tận dụng và khai thác hiệu quả cơ hội để thật sự trở thành những điểm lựa chọn trải nghiệm của du khách?
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhìn nhận, để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, các địa phương trước hết phải đủ lực hấp dẫn du khách, được họ chọn làm điểm đến. Vì thế, chính các đô thị trên địa bàn phải là nơi thuận tiện, ấn tượng mời du khách dừng chân. Du lịch đô thị, ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các tỉnh thành.
Điểm dừng đô thị, tại sao không?
Thực tế, tại các địa phương du lịch, khi truyền thông, tiếp cận du khách, đa số thông tin đưa ra chủ yếu là mô tả, mời gọi du khách biết đến một danh lam thắng cảnh, một vùng địa danh thiên nhiên nào đó. Những cánh rừng, cảnh hồ lộng lẫy, những cơ hội xúc cảm trước không gian tự nhiên rộng lớn, hay dấu tích cổ xưa nào đó luôn được tô vẽ đậm nét. Tất cả có vẻ sẽ thuyết phục du khách chọn địa phương là điểm đến cho kỳ nghỉ của họ. Song thực tế, trải nghiệm du khách lại không nằm ở những địa chỉ “hấp dẫn” đó, mà họ cần sự bảo đảm chi tiết và cụ thể hơn. Đó là điều kiện sinh hoạt cơ bản, đi lại, ăn uống, tiếp cận đời sống ra sao; thậm chí càng là du khách ở xa, những điều kiện cuộc sống tại điểm đến lại càng là lý do thuyết phục họ.
Do đó, theo ông Thái Hồng Hà, điểm đến và điểm rời đi của địa phương mới là cơ sở quan trọng để du khách chọn lựa. Mà những điểm này chính là những đô thị, tụ điểm giao thoa hành trình du lịch. Nói một cách khác, đô thị mới là điểm hẹn du lịch, sau đó mới tính đến những địa chỉ trải nghiệm thăm thú khác. Cho dù địa phương nhiều danh lam thắng cảnh đến đâu, nhưng một sân bay nhếch nhác, tẻ nhạt, những khách sạn ẩm thấp, tồi tàn, những quán ăn xập xệ mất vệ sinh, nhất là người dân thiếu thân thiện… thì du khách cũng sẽ bỏ đi. Quan trọng hơn, nếu du khách dừng chân ở các đô thị mà không tìm thấy một điều kỳ thú nào, những điểm hẹn hấp dẫn, thỏa trí tò mò của họ chẳng hạn, họ sẽ càng không thể lưu luyến địa phương đó.
Vậy tại sao các đô thị không thể là điểm dừng hấp dẫn cho du khách? Tại sao bản đồ du lịch các tỉnh thành lại chỉ ghi rõ những cảnh quan thiên nhiên, vị trí lăng tẩm, đền đài, cổ mộ hay một khu giải trí, mà không hề có được một “city tour” gọn gàng, tìm hiểu đời sống cư dân đô thị, những điểm khảo sát lý thú về nếp sống sinh hoạt, liên quan lịch sử đời sống, thuần phong mỹ tục địa phương? Ông Hà cho biết, đã từng có người hỏi ông vì sao Buôn Ma Thuột không có một tour khám phá đô thị này, chỉ với tầm 6 điểm đến trong một ngày thôi? Tại sao du khách đến Buôn Ma Thuột lại chỉ toàn được dẫn đi huyện Lắk, đi Buôn Đôn, khám phá văn hóa voi, cồng chiêng… ở buôn này làng kia, mà không thể được trải nghiệm du lịch ngay giữa đô thị ấn tượng này?
Một góc phố sinh hoạt thường nhật, có thể là điểm dừng ấn tượng của du lịch đô thị. |
Tìm hiểu đô thị
Một hướng dẫn viên người gốc Hà Nội chia sẻ rằng, anh đến với TP. Buôn Ma Thuột nhiều lần, mà lần nào cũng thong dong đi dạo ở Bảo tàng Đắk Lắk, đi mua trái cây ở chợ Tân An, rồi uống một ly sinh tố ca cao ở đường Y Ngông, ăn một tô bún xương ở cạnh sân bay…
Đó có phải đòi hỏi khắt khe không, khi đặt các trải nghiệm ấy cạnh những trang giới thiệu khu du lịch này, vùng lịch sử kia…? Câu trả lời của anh là không hề, thậm chí việc xác định được những thú vui đơn giản, gần gũi khi đi giữa TP. Buôn Ma Thuột cũng là một lý do dễ được du khách chấp nhận đô thị này. Một khách sạn ân cần, một quán ăn độc đáo, một ngã tư ấn tượng với nhịp điệu xe qua, sẽ là lý do khiến du khách quay lại, và yêu mến Buôn Ma Thuột…
Có lẽ đã đến lúc ngành du lịch địa phương nên xem lại những tiêu chí xây dựng tour tuyến, xác định những điểm đến và các nội dung quảng bá với du khách. Phải làm hài lòng du khách ngay khi họ vừa đặt chân đến, khi họ vừa nhận phòng khách sạn, khi họ đi vào một khu dân cư… là những điều mà ngành du lịch Đắk Lắk nên quan tâm.
Có thể trước đây, khi câu chuyện du lịch được mô tả bằng những thước phim đẹp đẽ, mơ mộng, cách hiểu về sản phẩm du lịch là khác. Còn hiện tại, sau đại dịch, với những thay đổi trong tư duy tìm kiếm, trải nghiệm của du khách, ngành du lịch cần định vị lại tốt hơn các sản phẩm phục vụ “của mình”. Đó sẽ không chỉ là những điểm danh lam chung chung, mà cần có những kịch bản trình diễn hay, những tiết mục lôi cuốn du khách, câu chuyện để họ say mê. Sẽ không chỉ là những dãy hàng quán chen chúc, mà cần có những địa chỉ, thực đơn thật sự ấn tượng, gia vị độc đáo, cách pha chế, nấu nướng tuyệt vời…
Quan trọng hơn, những đô thị sẽ phải là điểm dừng nghỉ quan trọng, với giường đệm êm ái, đường sá an toàn, thái độ ân cần của lễ tân, nụ cười của người bán hàng ven đường, hoặc có thêm một địa chỉ ngôi nhà cũ kỹ gợi nhắc dấu ấn lịch sử trăm năm đã qua, hay một màu hoa…
Xây dựng cho được những kịch bản tìm kiếm, khám phá nét đặc trưng của đô thị như vậy, trong lịch trình du ngoạn của du khách, tìm hiểu thấu đô thị giữa lòng đô thị, nên chăng là vấn đề mà ngành du lịch cần bận tâm?