Dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua, gia đình anh Trần Xuân Ngọc (ngụ tỉnh Khánh Hòa) đã chọn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là điểm đến. Anh Ngọc chia sẻ lý chọn Buôn Ma Thuột là điểm du lịch là bởi nơi đây có nhiều di sản cổ kính, trong đó có khu biệt điện Bảo Đại khiến anh háo hức tham quan nhất.
Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
“Tôi chỉ mới nghe giới thiệu trên mạng xã hội thôi. Đây cũng là dịp để tôi và các con được tìm hiểu kỹ về ký ức một thời của vị vua cuối cùng ở nước ta” – anh Ngọc mở đầu câu chuyện.
Toàn cảnh khu biệt điện của vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Anh Trần Hữu Trung (ngụ TP Đà Nẵng) cũng là du khách lần đầu tiên đến đây và có ấn tượng mạnh với tòa biệt điện.
“Bước vào khuôn viên biệt điện, tôi ngỡ như mình đang đi lạc vào một cánh rừng già. Cây cối xanh tốt, trong đó có nhiều cây cổ thụ quý hiếm là ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây” – anh Trung nói.
Ảnh chân dung vua Bảo Đại treo trong khu nghỉ dưỡng của nhà vua. Ảnh: VŨ LONG |
Biệt điện Bảo Đại tọa lạc tại phường Tân Tiến, nằm sát trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Theo sử sách ghi chép lại, nơi đây trước năm 1905 là Nhà hàng Maison Lefévre.
Bàn làm việc của vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Năm 1914, khi ông Sabatier về làm công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng Tòa Đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay công sứ Sabatier, công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng tòa nhà như hiện nay và được gọi là Tòa công sứ, theo dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (Nhà ông lớn).
Tòa nhà được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo hình chữ nhật bằng phẳng có diện tích 2.135,8m2, cao hơn so với mặt sân gần 2m và được kè đá vững chắc. Bậc tam cấp lên toà nhà được thiết kế cao dần vào phía trong, tạo cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái như đang dạo bước trên ngọn đồi thoai thoải.
Phòng ngủ của nhà vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Năm 1947, Chính phủ Pháp bảo lãnh Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Từ tháng 11-1947 đến khoảng tháng 5-1948, Quốc trưởng Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc gần tám tháng. Sau đó, vào những năm 1949 – 1954, hàng năm ông thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn.
Dụng cụ săn bắn của nhà vua. Ảnh: VŨ LONG |
Biệt điện Bảo Đại được triển khai trên diện tích gần 6,5 ha, gồm một tòa biệt điện và một nhà nài voi.
Nhiều cây cổ thụ bên trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Khu vực này hiện vẫn còn có những cây cổ thụ tỏa bóng mát. Người dân thường ví von khu biệt điện Bảo Đại như cánh rừng thu nhỏ nằm lọt thỏm giữa trung tâm TP Buôn Ma Thuột.
Khu vực làm việc của nhà vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Ấm chén và các vật dụng của nhà vua. Ảnh: VŨ LONG |
Tòa biệt điện là một không gian đẹp, yên tĩnh, mát mẻ, một công trình kiến trúc kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa kiến trúc nhà truyền thống của người Tây Nguyên với kiến trúc phương Tây.
Phòng khách trong biệt điện. Ảnh: VŨ LONG |
Bên trong tòa nhà được thiết kế có phòng khách, phòng làm việc và phòng ngủ. Phòng khách treo hai bức ảnh chân dung cỡ lớn của cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Bên cạnh là nhiều kỷ vật có trị văn hóa lịch sử như sách về quân sự, quốc kỳ của các nước, bức ảnh trao trả kim bảo.
Gươm của vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Đặc biệt, trong căn nhà có trưng bày nhiều chứng tích thể hiện vua Bảo Đại từng đến đây và đi săn bắn.
Một chiếc võng nằm nghỉ của vua Bảo Đại. Ảnh: VŨ LONG |
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, cho biết trong năm ngày nghỉ lễ năm nay có khoảng 2.700 lượt khách du lịch đến địa điểm Biệt điện Bảo Đại, Bảo tàng Đắk Lắk, Nhà đày Buôn Ma Thuột tham quan.
“Trước đây khu vực này được gọi chung là Khu di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du. Cuối tháng 2-2023, Bộ VH-TT&DL mới có quyết định đổi tên thành Khu di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại để thuận lợi phục vụ khách tham quan” – ông Đinh Một cho hay.