Người Êđê vẫn còn lưu giữ lại những căn nhà mang đậm nét văn hóa bản địa để làm du lịch.
Buôn Akô Dhông nơi còn lưu giữ được văn hóa của người dân bản địa. Ảnh: VŨ LONG
Buôn Akô Dhông ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được đánh giá là buôn đẹp nhất của người Êđê ở khu vực Tây Nguyên. Trong quá trình tham quan, trải nghiệm du khách thập thập phương đều chọn nơi này là điểm đến.
Cả buôn làm du lịch
Gia đình anh Ngô Thanh Hải (43 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) lên TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Anh cho biết, tiêu chí của gia đình anh chọn một nơi yên tĩnh, nhưng phải có “màu sắc” của người dân bản địa.
Theo lời hướng dẫn của những người bạn, anh Hải đưa cả nhà đến buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. “Tôi nghe nói, buôn này vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa của đồng bào người Êđê. Dịch vụ phục vụ ở đây cũng tương đối đa dạng, nhiều sản phẩm mới lạ và giá cả rất hợp lý” – anh Hải mở đầu câu chuyện.
Một quán cà phê tại buôn Akô Dhông. Ảnh: VŨ LONG
Tiếp đó, sáng chủ nhật, anh Hải cùng những người bạn đến Khu du lịch sinh thái Akô Ea. Tại đây, một chương trình ca nhạc được tổ chức khá bài bản, khi có đầy đủ đội ngũ múa cồng chiêng, khoác trên mình những chiếc áo, váy thổ cẩm truyền thống.
“Chúng tôi ngỡ ngàng về những gì mà người dân nơi vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa của người xưa để lại. Sau chuyến du lịch này, tôi sẽ giới thiệu với anh em, đồng nghiệp trong chuyến đi nghỉ dưỡng sắp tới sẽ chọn buôn Akô Dhong là điểm đến, trải nghiệm” – anh Ngô Thanh Hải chia sẻ.
Buôn Akô Dhông là buôn của người Êđê được đánh giá là buôn làng đẹp nhất Đắk Lắk – Tây Nguyên, với diện tích hơn 62 ha; có 247 hộ/1.004 nhân khẩu (trong đó dân tộc Êđê 64 hộ, 317 nhân khẩu). Buôn này hiện có 32 ngôi nhà dài truyền thống, cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, các nghệ nhân, đội văn nghệ và các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần…) được người dân trong buôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ .
Chị H’KJăp Niê (41 tuổi, chủ Khu du lịch sinh thái Akô Ea) cho biết khu lịch của chị được gia đình phát triển dựa trên ý tưởng về đời sống của người Êđê. “Tất cả không gian đều mang bản sắc của người bản địa và hơn 90% người làm tại khu du lịch đều là người Êđê. Ẩm thực chúng tôi phục vụ khách cũng là những món ăn, thức uống của người Êđê” – chị H’KJăp Niê cho hay.
Già làng Ama Denny trao đổi với PV. Ảnh: VŨ LONG
Gần Khu du lịch sinh thái Akô Ea, gia đình già làng buôn Akô Dhông (là con rể của già Ama H’rin, người khai phá ra buôn cổ Akô Dhông) là ông Ama Denny cũng mở mô hình kinh doanh, dựa trên nền tảng văn hóa của cha ông để lại.
“Khu kinh doanh của chúng tôi có bảy người làm thường xuyên, đều là người quen trong gia đình” – già Ama Denny cho hay. Đồng thời già thông tin thêm, thời gian qua, buôn Akô Dhông luôn nhận được quan tâm, đầu tư của tỉnh, cũng như TP Buôn Ma Thuột. Đó là việc xây dựng buôn này trở thành khu lịch cộng đồng đầu tiên ở Đắk Lắk.
Xây dựng thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng
Ông Võ Tiến Dũng cho biết thêm, đầu tháng 3-2023, Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk đã công bố Buôn Du lịch cộng đồng Akô Dhông. Đây là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Khuôn viên nhà sản của già làng Ama H’Rin. Ảnh: VŨ LONG
Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng đã được ban hành, trong đó có việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025; tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung hỗ trợ cho năm thôn, buôn và Buôn Akô Dhông tại TP Buôn Ma Thuột là buôn được chọn thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng vào năm 2022. Từ đó nhân rộng, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột thông tin thêm, trong kế hoạch phát triển du lịch (giai đoạn 2022-2025), TP ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3-5 sao; hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại các điểm du lịch hoặc các địa điểm có tiềm năng.
Ưu tiên hệ thống cơ sở lưu trú tại các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt phát triển cơ sở lưu trú theo hình thức nhà ở có phòng cho thuê (homestay) và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bốn buôn đồng bào dân tộc thiểu số (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; buôn Tuôr, xã Hòa phú; buôn Kmrong Prăng B, xã Ea Tu).
Giai Thoại già làng Ama H’Rin
Theo già làng Ama Denny, người khai phá ra buôn Akô Dhông là ông Y Diêm Niê (sinh năm 1931, sau này gọi là già làng Ama H’Rin).
Già làng Ama H’Rin. Ảnh: Gia đình cung cấp
Năm 1954, chàng trai Êđê đã cùng vợ, đi bộ, tìm đường lên Buôn Ma Thuột và cùng với những người lưu lạc lập nên buôn Akô Dhông. Thuở ấy, ngoài Akô Dhông xung quanh khu vực Buôn Ama Thuột chỉ có ba buôn: Kô Siêr, Păn Lăm và Alê.
Ông là người Êđê đầu tiên vượt qua mọi nhọc nhằn và thiếu hiểu biết để học cách trồng, lập trang trại cà phê. Hàng chục ha cà phê do già Ama H’Rin bỏ vốn khai hoang, mày mò tìm hiểu cách gieo trồng, chăm sóc.
Ông cũng đã học cả cách ngăn suối đắp đập để bảo đảm nguồn nước tưới… được phân đều cho cả buôn, với phương thức mùa thu hoạch chia đôi. Nhờ cách làm ấy của ông, cuộc sống cả buôn hồi đó gần như khá nhất trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh.
Ông mất vào năm 2012 do tuổi già sức yếu, hưởng thọ 81 tuổi.