Với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch phải gánh chịu không chỉ nằm ở mức độ kinh tế, mà còn ở góc độ về nhân lực. Nhằm giải quyết điểm nghẽn này, mới đây Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo ‘Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng’ nhằm tìm ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Đoàn viên thanh niên phường Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) làm công việc của hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Nguồn: Tỉnh đoàn Quảng Ninh.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành Du lịch “đóng băng”, ngừng hoạt động. Nhân lực nghỉ việc tới 92%, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ hầu như giữ lại lực lượng chủ chốt để duy trì sự vận hành tối thiểu.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm. Trong khi đó, từ trước đến nay, nhân lực du lịch của nước ta vẫn luôn được cho là vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là nhân lực gặp nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Chất lượng dịch vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự chuyển biến liên tục của ngành. Thực tế nêu trên đặt ra nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng dưới tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0.
Học viên một khóa học chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là yếu tố con người.
Nhiều năm qua, ngành Du lịch đã có những cố gắng trong phát triển nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện nay, số lượng cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và sinh viên tham gia học tập các chuyên ngành Du lịch ngày càng gia tăng góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết, mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hàng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên. Tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, gần một nửa không biết ngoại ngữ.
Theo bà Hoa, nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ “đầu đàn” làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ, nhất là sau làn sóng di chuyển lao động du lịch sang các ngành khác do tác động của đại dịch Covid- 19 vừa qua. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành. Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực.
Từ thực tế có thể thấy nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn trong tay chúng ta khi du lịch là ngành kinh tế cần cảm xúc, có nhiều sự tiếp xúc giữa con người với con người mà không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước. Tuy nhiên, cơ hội vẫn trong tay chúng ta khi du lịch là ngành kinh tế cần cảm xúc, có nhiều sự tiếp xúc giữa con người với con người mà không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được.