Ngày 15/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị Phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hội, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chủ trì chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Đắk Lắk. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe phổ biến quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQCP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; cùng một số nội dung khác liên quan đến phát triển du lịch…
Trong đó, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong du lịch.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, được ban hành nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 – 5%/năm.
Khách du lịch tham quan, tìm hiểu tại Di tích lịch sử quốc gia Đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Đối với Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được triển khai sẽ phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Tại Hội nghị các đại biểu đến từ các tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Khánh Hòa… cũng đã có những ý kiến, tham luận, chia sẻ về vấn đề du lịch địa phương và những giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn những ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và thách thức đặt ra cho du lịch Việt Nam trong tình hình mới.
Đồng chí đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung phát triển du lịch; doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng, chung tay phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả.