Đến nay, TP. Buôn Ma Thuột có gần 30 điểm du lịch homestay mở ra nhằm phục vụ du khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi đến đây tham quan và trải nghiệm, nhiều người có chung nhận xét rằng, vẫn còn quá ít địa chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thiếu ý tưởng và rập khuôn
Qua chuyến tìm hiểu, khảo sát mới đây của ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (Community Based Tourism – CBT) tại một số tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, trong đó có Buôn Ma Thuột, vị “chuyên gia homestay” này đánh giá: Loại hình du lịch cộng đồng ở đây còn thiếu ý tưởng và hết sức rập khuôn, nơi nào cũng hao hao giống nhau về sản phẩm cũng như cung cách quảng bá, tiếp thị và phục vụ khách hàng.
Vào buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Khu du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa) hay Khu du lịch làng nghề kết hợp văn hóa, cộng đồng buôn Tơng Jú (xã Ea Kao)… đều không mang lại cho du khách cảm xúc khác biệt, ấn tượng nào về lịch sử, văn hóa, địa lý và nhân văn của vùng đất vốn nổi tiếng như Buôn Ma Thuột. Ngoài thăm thú, dạo chơi trong không gian đặc trưng miền rừng, thưởng thức âm nhạc cồng chiêng và ẩm thực, thì không thấy sản phẩm nào có tính chất khám phá độc đáo, bất ngờ để gia tăng mức độ nhận diện cao từ mỗi điểm đến.
Nhiều ngôi nhà dài mới dựng để phục vụ du khách, nhưng khách lưu trú không đáng kể. |
Lắng nghe, tham khảo từ nhiều người, ông Bình tiếc nuối – rằng ở xứ sở bàng bạc vốn hóa dân gian độc đáo và giàu bản sắc này, sao người ta không biết “kể lại” những câu chuyện thấm đẫm “tinh thần thảo dã” của cộng đồng các dân tộc trên sơn nguyên này nhỉ (?) Buôn Akô Dhông hoàn toàn có khả năng trình diễn kỹ năng làm rượu ghè truyền thống, phô diễn cách chế biến cà phê đặc sản bằng lửa củi tự nhiên để làm say lòng du khách trên những ngôi nhà dài hiện có. Kô Tam phải níu chân người đến bằng hoạt động thực hành tạc tượng nhà mồ, hay tượng gỗ dân gian Tây Nguyên nói chung trong không gian yên bình và đầy ắp tiếng chiêng, tiếng kèn sáo đủ loại.
“Tôi đầu tư hàng tỷ đồng để làm 4 nhà dài, kèm những dịch vụ khác với mong muốn tạo ra tour homestay đúng nghĩa ở điểm đến du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông. Vậy mà đến nay cơ ngơi ấy chỉ để phục vụ du khách đến tham quan, ăn uống rồi về; lượt khách lưu trú để tìm hiểu, trải nghiệm tại đây không đáng kể” – anh Ama Jenny, chủ cơ sở homestay ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). |
Còn Tơng Jú, với nghề dệt thổ cẩm đã thành danh thì nhất thiết phải cho người thưởng lãm “mục sở thị” quy trình làm ra loại “gấm vóc” của mình – từ khâu xe sợi, nhuộm màu, dệt vải, tạo hoa văn cho đến tạo mẫu mã sản phẩm… Nếu làm được như thế, chắc chắn những điểm đến du lịch cộng đồng trên sẽ giải quyết được những thách thức đặt ra như mở rộng biên độ trải nghiệm cho du khách, bán được sản phẩm và nhất là tăng thời gian lưu trú cho dịch vụ homestay.
Chuyển dịch sang chiều sâu
Theo ông Bình, chỉ có bước chuyển dịch một cách có chiều sâu sản phẩm du lịch cộng đồng tại các khu homestay ở đây mới tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho ngành du lịch Buôn Ma Thuột một cách đáng kể. Bằng không, cứ phát triển ồ ạt, thiếu định hướng và thiếu chọn lọc thì không tránh khỏi tình trạng ế ẩm, đìu hiu… sau đó dần “chết yểu” do vắng khách là điều không tránh khỏi.
Khuyến cáo trên tỏ ra xác đáng với loại hình du lịch cộng đồng nói chung và các cơ sở homestay nói riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố nhìn nhận: Du lịch homestay ở đây đang nở rộ như một phong trào, thiếu sự định hướng và kiểm soát theo kế hoạch/đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ mà HĐND tỉnh đã phê duyệt và thông qua với những nội dung đầu tư rõ ràng, cụ thể (bảo tồn vốn văn hóa truyền thống; tôn tạo cảnh quan buôn làng; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cơ sở điểm đến; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như kiến thức tổ chức, vận hành và quản lý; kết nối giới thiệu, quảng bá loại hình du lịch này đến với du khách trong và ngoài nước). Chính vì thế, dù có gần 30 homestay, hoặc nhiều hơn thế được mở ra cũng không làm cho bức tranh du lịch Buôn Ma Thuột sáng rõ lên được, ngược lại càng khiến việc giám sát, quản lý trở nên phức tạp thêm.
Du khách tham quan điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông. |
Một số đơn vị lữ hành đưa khách đến đây cho rằng du lịch homestay không chỉ dừng lại ở dịch vụ nghỉ ngơi, lưu trú thông thường, mà còn gắn kết với nhiều hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm thực tế khác thông qua các sản phẩm có tính chất đặc thù, tiêu biểu và đại diện cho mỗi cộng đồng dân tộc hay rộng hơn là một vùng/miền nhất định. Đằng này, trên địa bàn Buôn Ma Thuột, nhiều homestay đang mở cửa chào đón khách (với những hành ảnh, lời mời rất “kêu” trên mạng xã hội và nền tảng số) mà chẳng hề quan tâm đến vấn đề cốt lõi như đã nêu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đúng như bản chất loại hình du lịch đang “hot” và đang trở thành xu thế hiện nay. Theo khảo sát của Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, sản phẩm của hầu hết gần 30 homestay trên địa bàn chủ yếu là lưu trú và ẩm thực; trong đó có khá nhiều cơ sở trong lòng thành phố vì không bảo đảm mặt bằng, không gian và cảnh quan cần thiết cho hoạt động du lịch này nên chỉ có chức năng như “nhà nghỉ” mà thôi – và tất nhiên số khách đến đó phần đông là gia đình, cặp đôi hay nhóm bạn cùng sở thích với thời gian lưu trú không quá 1 ngày/đêm.
Cùng góc nhìn này, một số đơn vị làm du lịch cộng đồng (có homestay) như buôn Akô Dhông, Khu du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng Kô Tam, Khu du lịch làng nghề kết hợp văn hóa, cộng đồng buôn Tơng Jú… bày tỏ băn khoăn: Để giữ vững và phát triển loại hình du lịch này thì việc quy hoạch không gian đô thị, trong đó có các buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ cần phải được gìn giữ, bảo tồn đặc trưng nguyên trạng, bởi yếu tố này đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và hình thành sản phẩm homestay trong lòng TP. Buôn Ma Thuột. Tiếc là nhiều buôn làng ở đây đã và đang thay đổi theo hướng bất lợi cho ngành kinh tế quan trọng này. Đó là bản sắc văn hóa của người Êđê ở đây mai một cả về giá trị vật thể và phi vật thể – vì thế, về phía doanh nghiệp dù có tâm huyết đến mấy cũng “lực bất tòng tâm”.
Điểm bày bán rượu cần trong buôn Akô Dhông. |
Anh Ama Jenny (chủ cơ sở homestay ở buôn Akô Dhông) chia sẻ: Ai mà không muốn làm bài bản, đến nơi đến chốn như vị “chuyên gia homestay” Dương Minh Bình đã chỉ ra như trên, nhưng khổ nỗi một phần tiềm lực tài chính có hạn, một phần do đời sống cộng đồng đã khác xưa rất nhiều khiến anh phải “bó tay”. Nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đều đối mặt với hạn chế, khó khăn như thế, thử hỏi làm sao gầy dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở đây? Rất mong Nhà nước, mà trực tiếp là chính quyền thành phố cũng như tỉnh Đắk Lắk có động thái thể hiện quyết tâm, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ và kiến tạo hướng đi kịp thời, hiệu quả để cộng đồng làm du lịch có sinh kế bền vững hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.