Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ra Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, trong đó yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu mở rộng chính sách miễn thị thực.
Du lịch tăng cả lượng và chất
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành du lịch tiếp tục ghi nhận mức tăng lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong đó, Đà Nẵng đón gần 177.000 lượt, Hà Nội 103.000 lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, Ninh Bình đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt, TP Hồ Chí Minh đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023… Qua đó, tổng thu từ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Cụ thể TP Hồ Chí Minh đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; Hà Nội thu được 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%; Ninh Bình thu được 1.580 tỷ đồng; Quảng Nam 1.580 tỷ đồng; Kiên Giang ước đạt 928 tỷ đồng…
Từ thực tế và những số liệu trên, nhiều chuyên gia du lịch có chung ý kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là do một số địa phương đã chủ động phối hợp cùng hãng hàng không và DN lữ hành tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế. Đặc biệt với chính sách visa thông thoáng cũng như định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch là những nguyên nhân giúp tăng lượng khách quốc tế trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ, với việc thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng kéo dài thời hạn thị thực điện tử (e-visa), đồng thời không giới hạn số lần xuất cảnh, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới đã tạo cú hích mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Nói về những lợi ích mà chính sách nới lỏng visa mang lại cho ngành du lịch, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho biết, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, đồng thời nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày đã nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong thu hút du khách lựa chọn điểm đến, góp phần quyết định mở rộng thị trường và gia tăng lượng khách. “Việc nới lỏng chính sách visa góp phần làm cho sản phẩm du lịch từ các công ty lữ hành Việt Nam tổ chức thêm đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch”- ông Trương Quốc Hùng chia sẻ.
Vẫn cần thêm chính sách nới lỏng visa
Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia ngành du lịch, việc tiếp tục tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương… là một trong những giải pháp cần quan tâm. Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên nêu rõ, kết quả khảo sát một số DN du lịch cho thấy, mặc dù nhiều nước quy định xuất nhập cảnh rất khắt khe nhưng tùy mục đích, mục tiêu trong từng giai đoạn lại có chính sách điều chỉnh và áp dụng chính sách đó một cách mềm dẻo.
NChính phủ cần mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho du khách từ các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ, những nước trong Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, Việt Nam nên miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ các thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ để kích cầu du lịch.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường
Ví dụ Thái Lan, họ áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó đến 60 ngày, rồi 90 ngày và bây giờ là 108 ngày. Indonesia cũng đã nâng lên thời gian miễn thị thực đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa. Trong xu thế cạnh tranh thu hút khách du lịch với các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan thì việc mở rộng những nước được miễn visa và nới thêm thời gian miễn thị thực sẽ tạo thông thoáng hơn trong thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội cho DN đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững. Đây không chỉ là mong muốn của DN mà cả của ngành du lịch Việt Nam để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta.
Đồng quan điểm, dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan thông tin với thời gian lưu trú kéo dài, DN sẽ xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch cần thời gian dài như sản phẩm nghỉ dưỡng dành cho người già, khám chữa bệnh, du lịch gắn với hoạt động nghiên cứu. Hiện nay, chúng ta cho xuất nhập cảnh nhiều lần, khách có thể đi vòng cung, từ Việt Nam sang các nước trong khu vực, sau đó quay trở lại Việt Nam. Với hành trình tour như thế, các hãng hàng không Việt Nam thuận lợi hơn trong việc đưa khách đến Việt Nam và đưa khách từ Việt Nam trở về nước. Hơn nữa, khách thường mua sắm rất nhiều ở mỗi cuối hành trình nên khách kết thúc tour ở Việt Nam sẽ thuận lợi trong tăng doanh thu dịch vụ, thương mại.
“Với chính sách nới lỏng visa không những hỗ trợ tích cực giúp tăng lượng du khách mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong năm 2024” – ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cũng đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 lên 180 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi, chi tiêu nhiều hơn.
Nhằm hỗ trợ DN du lịch thu hút khách quốc tế trong năm 2024, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam. Cùng với đó, ngành VHTT&DL cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân.
Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương, gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Trong khi đó nhiều nước trong khu vực châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực, đơn cử Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64.