Tây Nguyên với nhiều nét độc đáo trong đời sống, rất hấp dẫn du khách.
Nở rộ du lịch cộng đồng
Ngày 8-3-2024, nhiều hộ dân ở Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vui mừng khai trương dịch vụ “Du lịch cộng đồng” đầu tiên của huyện. Theo đó, 117 ngôi nhà của đồng bào 12 dân tộc Êđê, M’nông, Lào cùng sinh sống đã thống nhất chọn ra 5 hộ dân, với những nét đặc sắc dân tộc nổi bật, biến căn nhà thân thuộc của mình thành nơi để du khách tham quan, tìm hiểu đời sống thường nhật và nghỉ lại như chủ nhân của ngôi nhà.
Chị Phương Lan (Ban Quản lý du lịch cộng đồng Buôn Trí) cho biết, với sự đa dạng về phong tục truyền thống các dân tộc anh em cùng chung sống, buôn nhỏ bên dòng sông Sêrêpốk này có nhiều lễ hội, phong tục đặc trưng riêng biệt, rất hấp dẫn.
Một trong 5 hộ dân đầu tiên ở Buôn Trí tham gia dự án phát triển du lịch cộng đồng
Thêm nữa, điểm du lịch cộng đồng này chỉ cách Khu Du lịch Cầu treo Buôn Đôn vài trăm mét, nên rất thuận lợi để du khách ghé thăm và khám phá. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng UBND huyện Buôn Đôn đã chọn Buôn Trí là 1 trong 5 thôn buôn tại tỉnh triển khai loại hình du lịch độc đáo này.
Huyện Buôn Đôn là trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk, được định hướng phấn đấu đưa du lịch góp phần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Trước đó, Buôn Akŏ Dhông tại thành phố Buôn Ma Thuột là buôn đầu tiên được chọn thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng tại Đắk Lắk từ năm 2022. Hiệu quả rất rõ rệt khi đến nay, đây là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi tới địa phương.
Buôn Akŏ Dhông tại thành phố Buôn Ma Thuột là cộng đồng đầu tiên được chọn thực hiện du lịch cộng đồng của tỉnh Đắk Lắk.
Là một hướng dẫn viên du lịch người dân tộc M’Nông ở thành phố Buôn Ma Thuột, Ysol cho biết, gần đây, xu hướng du lịch tự túc, du lịch gia đình hoặc nhóm nhỏ tự chạy xe khám phá những vùng đất mới đang được nhiều du khách ưa thích.
“Nhiều du khách muốn vào tận bản để tham gia những sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số như đi thăm rẫy, hái cà phê, nấu bếp củi, ngắm rừng núi lúc ban mai….. Vì vậy, tôi nghĩ mô hình điểm du lịch cộng đồng sẽ rất thu hút du khách”, Ysol nói.
Cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào ở Tây Nguyên.
Chứng thực điều này, chị Kim Anh, một nhà báo đến từ Hà Nội đang cùng gia đình thực hiện chuyến xuyên Việt với lộ trình dọc Tây Nguyên, chia sẻ: “Với những điểm đã đi qua ở Măng Đen (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) và nay đến Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), tôi thấy ở đâu cũng có những hình thái du lịch cộng đồng đặc sắc, thu hút nhiều du khách đến khám phá”.
Cần nâng tầm cho du lịch cộng đồng
Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Địa phương có một lễ hội rất đặc biệt, đó là “Chợ tình Ea Tam” được đồng bào Tây Bắc vào định cư tại Tây Nguyên tổ chức vào ngày rằm hằng tháng. Chúng tôi mong được tiếp sức để nâng tầm lễ hội này thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương”.
Xã mong muốn được “tiếp sức” bởi nếu không có nhà đầu tư, những mô hình homestay phục vụ du khách lưu trú để tham dự những ngày có “chợ tình” tự phát như lâu nay chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ của người dân. Vì thế, mọi thứ sẽ khó bài bản và đồng bộ để làm hài lòng du khách. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng giao thông đến “chợ tình” cũng vượt quá khả năng của địa phương.
Là một người nghiên cứu lâu năm tại địa bàn về phát triển du lịch Tây Nguyên, Thạc sĩ Hà Thị Kim Duyên (Trường Đại học Tây Nguyên) nhận định, để khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên vốn còn rất nhiều, mỗi tỉnh và toàn vùng cần thống nhất tiêu chí chung cho phát triển du lịch cộng đồng để cấp cơ sở căn cứ triển khai. Cần có quy hoạch sớm và lộ trình rõ ràng về phát triển du lịch cộng đồng tại từng nơi để người dân và chính quyền cơ sở chung tay thực hiện. Nhà đầu tư cũng căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.
Đồng bào Gia Rai ở xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai tái hiện lễ “Cúng lúa mới” tại Lễ hội Hoa dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya 2023.
Mô hình Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng… đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới đặc trưng, bước đầu thành công. Tuy nhiên, các mối liên kết trong và ngoài vùng còn lỏng lẻo, mang nặng tính hình thức. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa được tập hợp thành sức mạnh chung để toàn vùng cùng hưởng lợi.
“Tây Nguyên có những thế mạnh riêng có về con người, vùng đất, khí hậu và những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, những giá trị này được nâng tầm khi gắn với du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ gắn với đại ngàn. Đây là thế mạnh khác biệt của vùng, cần tập trung khai thác”, ông Cao Trí Dũng gợi mở.
Du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên đang chờ cơ hội để phát triển.
Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, tỉnh và nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên đều nhận thức rõ về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở địa phương và mong muốn đẩy mạnh loại hình này, trước hết từ công tác quy hoạch. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành liên quan đến các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái, farmstay chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển.
“Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất bộ, ngành Trung ương xem xét, xây dựng hành lang pháp lý cho loại hình kinh tế này phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững…”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nói.
Source :
Hà Nội Mới