Theo ông Võ Việt Hòa – Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, hiện nay các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự. Báo chí đưa nhiều con số rất lạc quan về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng thực tế công ty du lịch vẫn đói khách. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm xem có bao nhiêu khách trong số khách quốc tế đến Việt Nam được thống kê thời gian qua là khách du lịch thuần túy.
Theo ông Hòa, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Số lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như các thị trường Thái Lan, Úc, châu Âu, Hàn Quốc. Dù các chuyến bay từ Nhật về TP Hồ Chí Minh nhiều, khách đông nhưng chủ yếu là doanh nhân.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu du khách, Hiệp hội đưa mục tiêu đón 20 triệu du khách cho doanh nghiệp phấn đấu. Tuy nhiên, có một thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Ông Bình còn cho rằng, hiện nay, nhiều tỉnh, thành tổ chức lễ hội vẫn nhầm lẫn giữa thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Bởi, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia lễ hội.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel còn cho biết, nhiều khách du lịch đến Việt Nam chỉ 1 lần rồi không quay trở lại, trong khi chi phí để khai thác 1 khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới. Đây là điều rất đáng tiếc khi chúng ta không đủ sức thu hút khách quay trở lại du lịch Việt Nam.
Theo số liệu được Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương công bố, tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ có khoảng 10-40%. Việt Nam gây ấn tượng với khách quốc tế bởi nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng nhưng đa phần du khách chỉ đến một lần.
Làm gì để giữ chân du khách?
Khẳng định quan điểm, du lịch cần có giải pháp để tăng lượng khách đến Việt Nam và tăng tỉ lệ quay lại, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, chúng ta cần có nhiều chính sách visa hấp dẫn hơn, nhất là miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm. Việt Nam cần có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc,… và đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi cho công tác xúc tiến thương mại du lịch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để lượng khách tăng trưởng tốt, thu hút khách, chúng ta phải có sản phẩm phù hợp. Muốn vậy, chúng ta phải có chính sách thích hợp, trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm và khó, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong chính sách xúc tiến du lịch. Chúng ta rất cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia và các tỉnh, thành cũng phải dành kinh phí thực hiện xúc tiến. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phát hiện ra những vấn đề bất hợp lý, những vướng mắc, cần phản ánh đến Hiệp hội để Hiệp hội tổng hợp đề xuất đến Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Viettraviel Vũ Quốc Kỳ cũng chia sẻ, để đón khách nhiều hơn, trước hết cần có sự chuyển biến về nhận thức. Từ nhận thức chúng ta đưa ra mục tiêu định hướng, kế hoạch, giải pháp và nhiệm vụ. Cũng theo ông Kỳ, một trong những hạn chế, tồn tại hiện nay là cơ chế thay đổi chậm, thiếu đồng bộ. Chính sách visa có nhiều thuận lợi hơn trước nhưng chưa linh hoạt bằng các nước. Vấn đề quy hoạch du lịch hiện nay cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Do đó, phải làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực, xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc…, cần định vị lại môi trường du lịch, phải an ninh, an toàn, sạch, xanh, đồng bộ hóa, giảm phát thải và thân thiện với môi trường để thu hút du khách.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, về khách quốc tế, hiện nay không chỉ có khách đi du lịch thuần túy mà còn có nhiều khách kinh doanh và đều ở khách sạn. Qua nghiên cứu cho thấy, chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản như ăn ở, đi lại… do đó, cần phát triển thêm sản phẩm, du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách.