Việt Nam cần đa dạng hóa chủng loại thị thực
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa chủng loại thị thực. Bởi hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cấp các loại thị thực là thị thực du lịch, thị thực công tác và thị thực đầu tư, tuy nhiên thời hạn thị thực tối đa người nước ngoài có thể được cấp là 5 năm.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thậm chí, cả thị thực đầu tư có thời hạn 5 năm cũng phải đáp ứng điều kiện số tiền đầu tư khá lớn là từ 50 tỷ đồng trở lên, do đó thị thực công tác đa phần cấp cho những người nước ngoài lưu trú dài hạn cũng phải gia hạn hai năm một lần.
Bên cạnh đó, hồ sơ và thủ tục để gia hạn thị thực khá phức tạp đề nghị Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, đồng thời xem xét thực hiện cấp loại hình thị thực mới cho phép lưu trú dài hạn theo hướng cấp tư cách thường trú vĩnh viễn cho các nhà đầu tư quy mô lớn để có thể giảm bớt những chi phí và công sức gia hạn thị thực.
“Trong bối cảnh xã hội già hóa toàn cầu, chúng tôi mong rằng Việt Nam cũng sẽ cân nhắc việc thực hiện cấp loại hình thị thực mới cho người về hưu như một giải pháp thay thế để tăng đầu tư nước ngoài trong dài hạn”, đại diện Kochamd nêu rõ.
Tương tự, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) cũng cho rằng, chính sách visa của Việt Nam chưa điều chỉnh nhanh như các đối thủ cạnh tranh.
Việt Nam cần xem xét các biện pháp khẩn cấp để theo kịp tốc độ tăng trưởng của các đối thủ cạnh tranh, bao gồm thêm miễn thị thực cho các thị trường mục tiêu chính, như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada và Mỹ.
“Chúng ta cũng cần xem xét thị thực lưu trú dài hạn để nghỉ hưu và thị thực nghỉ hưu cho những người muốn nghỉ hưu ở Việt Nam.”, ông Denzel Eades nêu rõ.
Đại Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đề xuất cần miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thành viên EU, ban hành các loại thị thực đặc biệt trong các dịp hội nghị, triển lãm hoặc sự kiện thể thao và hợp lý hóa các thủ tục nhập cư nói chung sẽ thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho du khách và nhà đầu tư, tối quan trọng trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Đầu năm 2024, trong ấn phẩm Sách Trắng thường niên lần thứ 15, EuroCham cũng đề xuất “Miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu” bởi đây là dòng khách chi tiêu cao, có thói quen du lịch dài ngày, tạo ra nguồn thu du lịch lớn.
Việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam.
“Nếu chính sách visa của Việt Nam vẫn như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Singapore”, EuroCham quan ngại.
Việt Nam mở rộng cấp visa điện tử
Trước đó, vào tháng 8/2023, Việt Nam đã quyết định mở rộng cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ. Có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của quốc gia được Việt Nam đơn phương miễn visa được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp visa, gia hạn tạm trú theo quy định.
Việt Nam đã quyết định mở rộng cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ
Cuối tháng 2/2024, Thủ tướng đã giao Bộ Công an phối hợp với bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất mở rộng danh sách miễn visa đơn phương; thí điểm miễn visa trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu….
Mới đây, tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Bộ đang triển khai đàm phán với nhiều nước về miễn thị thực song phương.
Ngoài 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương, Bộ đang đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Như vậy, công dân Việt Nam có 28 nước có thể đi lại tự do không cần xin visa.
Đây là hướng chính sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân Việt ra nước ngoài cũng như đảm bảo công dân nước bạn vào Việt Nam. Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tức là có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Source :
Đầu tư Tài chính