Còn theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách thường chi trung bình 1/3 chi phí chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, hơn 80% đơn vị, tổ chức du lịch khi được khảo sát đều xác định, du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Sở hữu các món ăn đa dạng, độc đáo nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, không thể nhầm lẫn, ẩm thực gắn liền với làng nghề truyền thống tại Việt Nam đang là tour du lịch hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước, góp phần không nhỏ làm “sống dậy” các làng nghề, đồng thời tạo việc làm cho người dân bản địa, thay đổi tích cực cuộc sống.
Hà Nội nổi tiếng hội tụ nhiều món ăn ngon mà từ lâu được coi là tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều sâu văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Tràng An với nhiều món ăn hấp dẫn như bánh cuốn Thanh Trì, phở Hà Nội, bún thang, nem, chả cá, giò chả Ước Lễ, bánh cốm, Gà hấp lá sen, trà Việt,… hay thậm chí là những bữa cơm nhà với nguyên liệu quen thuộc như gà mía, lợn quay. Và ý nghĩa hơn nữa khi các món ăn truyền thống đang góp phần không nhỏ làm giàu cho các làng nghề, giúp người dân vẫn sống được với nghề.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Ví dụ như Làng cổ Đường Lâm. Từ những phương thức tự phát, gói chè lam, kẹo dồi, gà mía tự phát của các hộ kinh doanh trong làng nay đã kết hợp với quảng bá thông qua các kênh mạng xã hội, báo chí bằng những hình thức hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. Nay, Làng cổ Đường Lâm đã thu hút được lượng khách du lịch rất lớn đến thăm quan.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel cho biết: “Ở Đường Lâm thực ra có khá nhiều đặc sản, có thể chia thành nhiều dạng. Một dạng là những đặc sản cho bữa cơm như gà mía được nuôi thả tự nhiên, thịt quay đòn được làm theo kiểu truyền thống. Ngoài ra còn có cá kho mía, tương bần,…
Giới thiệu về món cá kho mía, anh Đạt cho hay cái tên “Đường Lâm”, nghĩa là “rừng ngọt”, là tên gọi Hán hóa cùa “Mía” từ thời Bắc thuộc. Tại đây, người dân hay dùng mía để kho với nhiều món ăn, trong đó có cá. Cá được kho với mía sẽ được khử mùi tanh, có vị ngọt tự nhiên.
Về các loại bánh thì có hàng chục loại khác nhau như bánh tẻ Sơn Tây, bánh nếp, bánh gai, bánh sắn, chè lam… Những loại kẹo được nấu thủ công như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bí. Thậm chí, một số hộ làm kẹo đã được tổ chức của Nhật Bản giúp đỡ vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì,… do đó bánh kẹo Đường Lâm không chỉ được mua làm quà mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản”.
Hiện tại đa phần khách du lịch đến làng cổ Đường Lâm là đi trong ngày, do đó những đơn vị du lịch thường thiết kế những món ăn theo dạng cơm bữa, với các sản vật địa phương và nấu dân dã. “Mặc dù nghe thì đơn giản nhưng hầu hết khách rất thích và khen ngon. Có người còn bảo vừa mới ăn Tết xong ngán thịt gà nhưng về Đường Lâm ăn thịt gà mía vẫn tấm tắc”, anh Đạt nói.
Đại diện công ty nói thêm rằng, ẩm thực chính là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong trải nghiệm khách hàng ở làng cổ. Bên cạnh đó, khách có thể mua những đặc sản về làm quà. Việc này đã giúp sản phẩm không chỉ được tiêu thụ nội bộ mà còn bán cho du khách, nâng cao thu nhập.
“Trong cuộc sống hiện đại, xu hướng là sống nhanh và chạy theo xu thế. Ví dụ như ngày Tết người ta hay biếu nhau mứt ngoại, kẹo ngoại, rượu ngoại và cho đó là “sang”. Nhưng ngược lại, ở thế hệ chúng tôi, mọi người vẫn rất thích bánh kẹo truyền thống. Mà đây cũng chính là đặc sản ở Đường Lâm.
Ở đây cũng có nhiều hộ dân sản xuất những sản phẩm thủ công và có thu nhập, dù chưa làm giàu được nhưng cũng tăng hơn so với làm nông”, Giám đốc AZA Travel nói thêm.
Là người nghiên cứu và trực tiếp làm về du lịch Tây Bắc, anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Bắc chia sẻ: Có 3 yếu tố gần như là tiên quyết để khách du lịch tìm đến Tây Bắc: Một là ngắm cảnh, hai là văn hóa kết hợp với lịch sử và ba là ẩm thực.
Với ẩm thực, du khách luôn muốn thử những đặc sản ở miền núi của người dân tộc, sản vật được chính tay người địa phương nuôi trồng, chăm sóc.
“Tại công ty Du lịch Tây Bắc, tôi luôn ưu tiên ẩm thực lên đầu, cho khách đi đâu là sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương đến đó.
Ví dụ như tại Điện Biên, chúng tôi sẽ đưa khách đến bản của người Thái du lịch. Vừa để du khách tận tay làm những ngành nghề truyền thống địa phương như đan lát mây tre đan, dệt thổ cẩm,… vừa để họ thưởng thức đặc sản lợn mán đủ món, giao lưu văn hóa uống rượu, đốt lửa trại”, anh Tùng nói.
Là người làm du lịch nhưng cũng là người nghiên cứu về văn hóa, cuộc sống con người Tây Bắc, anh Tùng cho biết việc phát triển du lịch ẩm thực gắn liền với làng nghề truyền thống không chỉ giúp tạo công ăn việc làm, mà còn quảng bá được sản phẩm địa phương. Người dân có thể bán sản phẩm theo hình thức sản vật địa phương cho khách du lịch.
Như tại Hà Giang, khách sẽ được thưởng thức thắng cố, thắng dền, các loại bánh, rượu từ hoa tam giác mạch (được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực khi giáp hạt). Tại Điện Biên là đặc sản về trâu như trâu gác bếp, trâu hun khói, mắc khén, hay đơn thuần là gạo. Lên đến Mù Cang Chải thì du khách có thể trải nghiệm làm cốm, được tự tay làm và mua chính sản phẩm mình tạo ra.
“Việc bán sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch đã và đang tạo ra nguồn thu nhập chính cho đồng bào dân tộc, bên cạnh việc đồng áng”, anh Tùng nhận định.
Không chỉ là việc quảng bá theo các hình thức truyền thống, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội video ngắn như TikTok, Facebook Real, để góp phần “làm sống dậy sản vật truyền thống” nhiều người trẻ đã đầu tư, đưa lên mạng xã hội để nhiều người biết đến.
Với sự nhanh nhạy, anh Tạ Công Bằng, người sở hữu 5 triệu người theo dõi trên TikTok đã làm sống dậy nghề tráng bánh phồng tôm truyền thống tại Cà Mau, nơi anh chàng sinh ra và lớn lên.
Trao đổi với phóng viên, anh Bằng cho biết, trước khi kinh doanh bánh phồng tôm tráng tay mang thương hiệu Cà Mau, người dân cũng đã bán rất nhiều nhưng chủ yếu gửi đi để người khác bán, không có tên tuổi và giá bán rất thấp.
“Khi mới bắt đầu làm, mục đích tôi hướng tới không phải là lợi nhuận. Vốn dĩ bánh phồng tôm đã gắn với dòng họ tôi từ rất lâu rồi nhưng không bán, chỉ là một món ăn gắn liền với tuổi thơ. Vậy nên tôi muốn làm gì đó gắn với gia đình, với nghề truyền thống địa phương.
Những năm gần đây, thời tiết phức tạp, tôm cá cũng không có nhiều như ngày trước, khiến mọi người không có thu nhập, không có đồng ra đồng vào. Lúc này tôi mới nghĩ là việc mình sẽ tạo ra một cái gọi là công việc kinh doanh để cho tất cả những người trong gia đình cũng như bà con xung quanh có công ăn việc làm”, anh Bằng nói và nhớ lại:
“Bản thân tôi đã từng chứng kiến những người trong dòng họ vì không có việc làm, không có thu nhập nên phải bỏ quê đi làm những nơi khác. Khi tôi làm được công việc này đã giúp rất nhiều người có công việc cũng như có thu nhập ổn định. Cuộc sống mọi người được cải thiện hơn và có một cái nhìn khách quan hơn về công việc hiện tại (sáng tạo nội dung – PV) mà tôi đang làm”.
Theo anh Bằng, ẩm thực không hẳn góp phần làm du lịch Cà Mau phát triển hơn, “nhưng sẽ làm cho nhiều người biết đến Cà Mau hơn”. “Ví dụ như cua Cà Mau, mỗi lần mọi người ăn cua là đều nhắc tới Cua Cà Mau không nhất thiết đến Cà Mau, mọi người có thể là mua cua tại Sài Gòn hay những địa điểm khác.
“Nhưng những món ăn mà gọi là đặc sản ở Cà Mau thì sẽ làm cho khách du lịch tò mò và tìm hiểu đến tận nơi để ăn. Ví dụ tôi cũng rất tò mò về những đặc sản quê hương chỗ khác, rất muốn đến tận nơi để trải nghiệm”.
Có thể thấy, ẩm thực đang làm tốt việc gìn giữ các món ăn dân tộc, góp phần thúc đẩy du lịch tại các làng nghề truyền thống. Đồng thời ẩm thực cũng tiếp thu có chọn lọc để theo kịp với sự phát triển, sống khỏe trong đời sống đương đại.