Dựa trên dữ liệu từ hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo năm thứ 9 này phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng với 83% du khách xác nhận rằng du lịch bền vững là quan trọng đối với họ. Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra một số phát hiện mới rằng, du khách toàn cầu cũng đang cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.
Du khách Việt ngày càng coi trọng du lịch bền vững
Tại Việt Nam, có 1.000 người trên 18 tuổi tham gia khảo sát độc lập này. Theo nghiên cứu, có tới 96% du khách Việt Nam được hỏi khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ.
Cụ thể, hơn một phần tư (26%) du khách Việt nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững, song họ không coi đó là yếu tố quyết định khi lập kế hoạch hay đặt vé cho chuyến đi. Bên cạnh đó, 40% du khách bày tỏ sự mệt mỏi với việc liên tục nghe về vấn đề biến đổi khí hậu gần đây. Những phát hiện này cho thấy đây là thời điểm thích hợp để kêu gọi hành động tập thể nhằm bảo đảm đạt được tiến triển hướng đến du lịch bền vững.
Nhìn về tương lai, 94% du khách Việt Nam cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Trong số đó, 56% cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong khi 21% quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn.
Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng 80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi, 43% du khách tin tưởng rằng họ mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các vấn đề xã hội liên quan đến ngành du lịch.
Một tỷ lệ tương đương (43%) cũng cho rằng sự đoàn kết và nỗ lực chung của cộng đồng là chìa khóa quan trọng nhất để giải quyết các thách thức kinh tế. Trong khi đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (51%) cho rằng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đang nắm giữ những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường.
Tại Việt Nam, cảm giác bất lực cũng gia tăng khi du khách nhận ra rằng việc họ cố gắng lựa chọn những hành động bền vững tại những điểm du lịch không thực sự áp dụng các biện pháp bền vững là không mang lại kết quả, với 46% du khách Việt tin rằng những nỗ lực cá nhân của họ trở nên vô ích trong bối cảnh đó.
Bất chấp những thất vọng đang gia tăng, du khách cho biết họ đang đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn cũng cảm thấy rằng những trải nghiệm du lịch bền vững hơn thực sự đang tăng thêm giá trị cho chuyến đi của họ.
Tăng cường hợp tác liên ngành để phát triển du lịch bền vững
Báo cáo Du lịch Bền vững lần thứ 9 của Booking.com đã chỉ ra yếu tố cản trở đối với du lịch bền vững như việc thực tế của du lịch bền vững có thể làm lu mờ những quyết tâm tích cực của du khách trước đó. Một số yếu tố mới lần đầu tiên được đưa vào nghiên cứu trong báo cáo năm nay đã tiết lộ rằng không ít người chưa thực sự nhận thức được ảnh hưởng của các hành động cá nhân đối với môi trường và xã hội.
33% số người tham gia khảo sát trên toàn cầu tin rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục, và rằng những lựa chọn du lịch cá nhân của họ không thể tạo nên sự khác biệt.
Trên thực tế, 25% không tin rằng biến đổi khí hậu nghiêm trọng như những gì đang được nói. Hơn nữa, một số người cảm thấy thời gian đi du lịch quá quý giá để đặt sự bền vững lên hàng đầu trong danh sách ra quyết định của họ (28%).
Hơn một phần ba (34%) khách du lịch toàn cầu tin rằng việc phát triển bền vững hơn ở một điểm đến không thực hiện các hoạt động bền vững là điều vô nghĩa.
Dù vậy, du lịch bền vững vẫn đang là xu thế không thể đảo ngược.
Báo cáo cho thấy có 75% du khách cho biết muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới và 43% du khách sẽ cảm thấy tội lỗi khi đưa ra những lựa chọn du lịch kém bền vững hơn. Khi nói đến động lực của những người muốn đi du lịch bền vững hơn, (32%) muốn du lịch bền vững vì họ tin rằng đó là điều đúng đắn.
62% khách du lịch nhận ra rằng họ là phiên bản tốt nhất của chính mình khi họ đi du lịch bền vững hơn và từ đó nhận ra sự tích cực này, cũng như 67% cảm thấy rằng việc chứng kiến các hoạt động bền vững khi đi du lịch sẽ truyền cảm hứng cho họ.
Trong số những người áp dụng các hành vi bền vững trong chuyến du lịch của mình, 96% du khách đã thực hiện các chuyến tham quan hoặc hoạt động để trải nghiệm văn hóa địa phương, 93% đã mua sắm tại các cửa hàng nhỏ, độc lập và 93% du khách đã lên kế hoạch cho chuyến đi để họ có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc đi phương tiện công cộng.
Với việc lựa chọn nơi lưu trú có gắn chứng nhận bền vững, khảo sát cho thấy 54% khách du lịch toàn cầu cảm thấy những nơi lưu trú có gắn nhãn bền vững hấp dẫn hơn. Sự nhất quán trong các tiêu chuẩn chứng nhận là yếu tố quan trọng khi gần ba phần tư (71%) du khách đồng ý rằng tất cả các trang web du lịch nên áp dụng một hệ thống chứng nhận bền vững chung.
Tuy nhiên, số lượng du khách quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về lý do vì sao nơi lưu trú được đánh dấu bền vững đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận thông tin đơn giản và minh bạch tại các điểm lưu trú, giúp du khách dễ dàng đưa ra quyết định bất kể ưu tiên của cá nhân họ là gì.
Bà Danielle D’Silva, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của Booking.com cho biết: “Mặc dù nhiều khách du lịch vẫn giữ được cảm giác lạc quan và mong muốn có tác động tích cực hơn, nhưng đây là cơ hội quan trọng để ngành tăng tốc nỗ lực nhằm giúp mọi người đưa ra những lựa chọn đó dễ dàng hơn”.
Báo cáo của Booking.com khuyến nghị, việc kêu gọi hành động cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành du lịch vẫn luôn được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ngành du lịch có thể bảo đảm du khách ưu tiên thói quen du lịch bền vững thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các tiêu chuẩn và nhãn hiệu được chứng nhận.