Du lịch chậm hoàn toàn đối ngược với du lịch đại chúng mà ngành du lịch Việt Nam theo đuổi, thông qua số lượt du khách nước ngoài đến mỗi năm. Năm ngoái, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt du khách. Và con số trong năm nay có thể đạt mục tiêu 17-18 triệu khách, gần như xấp xỉ con số của năm 2019 trước Covid-19.
Chú trọng chuyện đi chậm lại và ngủ ngon hơn
TPHCM đã nằm trong tốp 8 điểm đến ở châu Á được nhiều du khách lưu luyến nhất. Để lập danh sách này, Agoda đã phân tích thời gian lưu trú trung bình tại các điểm trên dựa vào dữ liệu đặt phòng trong ba tháng đầu năn. Sự thu hút của các điểm đến trong danh sách của Agoda như sau: Khao Lak (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), đảo Perhentian (Malaysia), Tokyo (Nhật Bản), đảo Siargao (Philippines), thủ phủ Pekanbaru (Indonesia), TPHCM (Việt Nam) và Ahmedabad (Ấn Độ).
Nhìn vào danh sách này, dễ nhận thấy sự tách biệt giữa hai nhóm siêu đô thị gồm Seoul, Tokyo, TPHCM và Ahmedabad, và nhóm còn lại là các đảo nhỏ ở Malaysia và Philippines, làng chài ở Thái Lan và thành phố nhỏ của Indonesia.
TPHCM là địa điểm mà du khách nước ngoài lưu trú trung bình nhiều ngày nhất trong thời gian ở Việt Nam. Bắc Ninh và đảo Phú Quốc lần lượt xếp thứ hai và thứ ba. Tuy vậy, Agoda không công bố rõ số ngày mà du khách muốn lưu lại ở tám điểm trên ở châu Á và ba điểm ở Việt Nam.
Nhà văn tự do Theodora Sutcliffea đề nghị hai đến bốn ngày tại TPHCM, nhưng Agoda đề nghị đến bảy ngày cho người lần đầu đến thành phố. Một du khách nước ngoài nói rằng ông đã kéo chuyến đi của mình lên chín ngày, thay vì sáu ngày như đã lên lịch.
Để tận hưởng một kỳ nghỉ chậm rãi ở TPHCM, du khách có thể bắt đầu với cà phê sữa đá truyền thống vào buổi sáng, trước khi tìm kiếm một địa điểm yên tĩnh tại Tao Đàn, một trong những công viên lâu đời nhất thành phố.
Du lịch chậm khuyến khích du khách ở lại điểm đến lâu hơn và cho phép họ tạo kết nối sâu sắc hơn với văn hóa và con người địa phương. Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda Vietnam, nói rằng: “Du lịch chậm lại đang là một trong những xu hướng du lịch hấp dẫn nhất. Trong thế giới hối hả hiện đại, nhiều du khách mong muốn tận dụng kỳ nghỉ để thoát khỏi guồng quay thường nhật và kết nối sâu sắc hơn với con người và điểm đến mà họ ghé thăm”.
Hồi tháng 3-2024, trang đặt phòng trực tuyến Booking.com – đối thủ của Agoda – cũng chỉ ra xu hướng du lịch để tìm được giấc ngủ ngon. Nhiều chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng trên thế giới đã quảng bá các chuyến đi chỉ để ngủ. Tình trạng thiếu ngủ do các căng thẳng trong các năm Covid phải mất vài năm sau mới bộc lộ tác động rõ rệt đến chất lượng cuộc sống. Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, nói rằng cuộc sống ngày càng hối hả và giấc ngủ dần trở thành tài nguyên quý giá, đồng thời du lịch ngủ sẽ là xu hướng phổ biến trong thời gian tới.
Booking.com đưa ra các số liệu cho thấy có đến 67% người Việt đi du lịch chỉ để ngủ. Các nước khác có tỷ lệ cao hơn Việt Nam, như Trung Quốc đến 83%, Hồng Kông 76%, Thái Lan 75%, Hàn Quốc 70% và Ấn Độ là 68%. “Xã hội ngày càng hối hả, giấc ngủ dần trở thành một thứ tài nguyên quý giá và du lịch ngủ được dự đoán là một xu hướng phổ biến”, ông Grover nói.
Du lịch ngày nay không quá chú trọng đến hồ bơi, nhà hàng… mà chỉ xoay quanh chiếc giường và giấc ngủ sâu. Các thành phố như Đà Lạt, Đà Nẵng và Tam Đảo của Việt Nam với nhiệt độ mát mẻ chiếm thứ hạng cao trong khảo sát của Booking.com.
Một chuyến du lịch chậm là như thế nào?
Huyền Nguyễn, một blogger và doanh nhân ngành du lịch, đã đề nghị lịch trình một chuyến du lịch chậm như thế này: “Có rất nhiều điều thú vị trải dài khắp đất nước Việt Nam. Vì vậy, nếu có đủ thời gian, bạn nên du lịch qua ba miền Bắc Trung Nam. Mỗi vùng đất đều có những nét đặc trưng từ thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực đến con người. Mỗi địa phương sẽ để lại cho bạn những ấn tượng khó quên”.
Vị nữ doanh nhân đề nghị khách leo núi và khám phá những ngọn núi cao nhất, tìm hiểu đời sống các dân tộc thiểu số khác nhau ở Sapa. Hay ngắm hoa tam giác mạch và trải nghiệm cuộc sống địa phương, thăm Hạ Long hay tham quan Tràng An và chùa Bái Đính, Ninh Bình. Tham quan các bãi biển và hòn đảo du lịch nổi tiếng ở Nha Trang và Phú Quốc…
Du lịch chậm cũng là cách “cai nghiện” các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội. Đây là dịp rất tốt để thoát khỏi vòng kiểm soát của những thứ làm mất thời gian, làm xói mòn các mối quan hệ xã hội. Trí thông minh nhân tạo (AI) cũng góp phần định hình lại ngành du lịch, giúp cai nghiện kỹ thuật số và kịch bản ngành du lịch toàn cầu.
Du lịch chậm cũng là mô hình du lịch bền vững, dựa trên những trải nghiệm và khám phá các truyền thống ẩm thực của một địa phương và cộng đồng mới mẻ.
Khác hoàn toàn với thức ăn nhanh (fast food), đồ ăn chậm (slow food) là bữa cơm nấu theo phong cách gia đình địa phương, kết nối những du khách tò mò với cộng đồng. Đồ ăn chậm bao gồm quá trình sản xuất và cả di sản văn hóa truyền cho nhiều thế hệ, như nông dân chăn nuôi, người làm pho mát, người bán thịt, thợ làm bánh và người trồng nho làm rượu, cùng với các đầu bếp chế biến các sản vật địa phương thành món ngon.
Họ là những người kể chuyện về vùng đất họ đang sinh sống, là người hướng dẫn truyền thống ẩm thực và mang lại những trải nghiệm độc đáo.
Xu hướng “mới” tác động đến ngành du lịch Việt Nam như thế nào?
Khi khảo sát về du lịch chậm của Agoda vừa đăng trên các tờ báo tiếng Anh của Việt Nam, một du khách nước ngoài đã phản ứng với các mô tả hoàn toàn trái ngược về các công viên ở thành phố. “Khói, bụi, rác quá nhiều, ồn ào và đông đúc là những gì chúng ta có thể thấy ở các nơi này”.
Các khảo sát của Agoda và Booking.com không phải là sự lựa chọn duy nhất về các điểm du lịch chậm nổi tiếng ở châu Á. Tạp chí Tatler Asia đã đưa ra kết quả khá bất ngờ khi các thành phố cổ kính và yên tĩnh ở Sri Lanka, Kyoto ở Nhật Bản, Bhutan, Luang Prabang ở Lào lại sánh vai với Singapore huyên náo để trở thành năm điểm du lịch chậm đáng trải nghiệm ở châu Á. Tatler Asia chỉ ra rằng: “Các con đường mòn, đường đi bộ dài tít tắp, đầy cây xanh và bóng mát thích hợp cho người đi bộ, trượt patin và đi xe đạp. Thành phố trong thiên nhiên xanh này là đáng trải nghiệm”.
Du lịch chậm cũng là mô hình du lịch bền vững, dựa trên những trải nghiệm và khám phá các truyền thống ẩm thực của một địa phương và cộng đồng mới mẻ. Xu hướng này bắt đầu được các công ty lữ hành Việt Nam để mắt tới. Nhiều hãng lữ hành đã giới thiệu ra các tour đi Trung Quốc và châu Âu với lịch trình thưa hơn dành cho khách trung niên (từ 50 tuổi trở lên), chú trọng trải nghiệm ngủ ngon và các nét ẩm thực của địa phương.
Tương tự, ngay cả ba điểm du lịch để ngủ nổi tiếng của Việt Nam là Đà Lạt, Đà Nẵng và Tam Đảo cũng khá mới mẻ với ngành du lịch và du khách Việt. Kẹt xe, giá vé máy bay cao vút và tình trạng làm giá của các điểm đến trong các dịp lễ Tết cũng khiến du khách chọn hình thức nghỉ ngơi ở các khách sạn, resort ngay ở địa phương mình.
Nếu dựa trên những trải nghiệm văn hóa và ẩm thực thì khá nhiều điểm đến ở Việt Nam đã khai thác tốt du lịch chậm trong nhiều năm qua.
Công ty Slow Travel Huế đã khai thác du lịch chậm từ du khách quốc tế nhiều năm nay. Khách đi một mình, cặp đôi hay gia đình với trẻ nhỏ sẽ được làm nông, đánh cá, thăm làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương. Slow Travel Huế cũng gợi mở bí quyết sống khỏe khi đưa khách thăm các làng Thanh Toàn, Kim Long, Thủy Biều và phá Tam Giang. Khách cũng có thể cắm trại trong rừng Bạch Mã… Hội An ở Quảng Nam và Cồn Sơn ở Cần Thơ cũng là những địa điểm du lịch chậm nổi tiếng mà ít du khách Việt để ý.
Nhưng dù sao thì du lịch chậm bắt đầu được các công ty lữ hành Việt Nam để mắt tới. Trước đây, các hãng lữ hành Việt thiết kế tour nước ngoài cho du khách nội địa với các lịch trình dày đặc, khách bị “áp tải” đi từ sáng sớm đến tối mịt và chỉ trở về khách sạn ở ngoại ô để ngủ vào buổi tối. Nay, nhiều hãng lữ hành đã giới thiệu ra các tour đi Trung Quốc và châu Âu với lịch trình thưa hơn dành cho khách trung niên (từ 50 tuổi trở lên), chú trọng trải nghiệm ngủ ngon và các nét ẩm thực của địa phương.
Có lẽ, bắt đầu từ tệp khách có tuổi, có thu nhập khá hơn và thích các trải nghiệm phong phú là sự khởi đầu mới cho du lịch, lữ hành Việt Nam.