Đắk Lắk nằm về phía Tây dãy Trường Sơn, địa hình cao nguyên với các dãy núi cao bao bọc 2 phía Đông và Nam, vùng trung tâm tương đối bằng với cao nguyên đất đỏ Bazan Buôn Ma Thuột. Địa hình có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc theo hướng sông Sêrêpôk bắt nguồn ở phía Đông, chảy sang phía Tây rồi đổ vào sông Mê Kông. Đắk Lắk là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, nhiều lợi thế như cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái nông nghiệp
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình đa dạng như du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội… Các điểm du lịch sinh thái, cảnh quan có các thắng cảnh như thác Dray Nur, thác Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông, Vườn Quốc gia Yok Don, Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Nhái, hồ Buôn Triết; hang đá Đắk Tua, hồ Ea Súp Thượng,… Các điểm văn hóa lịch sử như nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk và các lễ hội đặc trưng như (Cồng chiêng, đua voi, lễ hội của các dân tộc thiểu số…).
Đắk Lắk là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng và phong phú về số lượng loài. Rừng Đắk Lắk còn nhiều loài động thực vật đặc hữu, đặc biệt có hệ sinh thái rừng khộp điển hình của cả nước.
Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền, mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng. Sản vật nông nghiệp rất phong phú, đa dạng như lúa gạo, cà phê, tiêu, bơ, macca, cá sông… nổi bật nhất là cà phê, đây là sản phẩm mang thương hiệu của địa phương. Với sản vật đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan và trải nghiệm quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp bền vững, một số hộ gia đình đã tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bước đầu hình thành những vườn rau, củ quả sạch khá đẹp. Nơi đây còn có nhiều tiềm năng về các loại hình chăn nuôi, kết hợp trồng trọt theo mô hình trang trại. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Trong những năm qua, giao thông tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư, với mạng lưới giao thông chính là đường bộ, Đắk Lắk có các tuyến Quốc lộ nối liền các vùng miền trong cả nước, giao thông nội tỉnh đến các huyện, xã đều đã được nâng cấp, đường hàng không cũng đã và đang đầu tư mở rộng, là điều kiện để Đắk Lắk phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk có sân bay Buôn Ma Thuột, một trong những Cảng hàng không lớn, hiện đại, là đầu mối giao thông quan trọng – cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước và trong tương lai kết nối với các sân bay thị trường quốc tế…
Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp đã và đang tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh Đắk Lắk. Cùng với sự hình thành và phát triển của ngành nghề nông thôn, làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền vừa mang đậm tính truyền thống, vừa tạo sức cạnh tranh trên thị trường đang mở ra hướng phát triển của du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh…
Mặc dù tỉnh Đắk Lắk có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác hết tiềm năng không nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Chưa lồng ghép văn hóa truyền thống bản địa, là thế mạnh mang bản sắc riêng vùng Tây Nguyên. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.
Tạo “bệ phóng” để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp
Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhấn mạnh: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nông thôn mới không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo bền vững, mà còn là để đa dạng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm cảnh quan môi trường sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn trở thành điểm đến du lịch chất lượng, hấp dẫn khách du lịch góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Để tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Đề án được chia làm 2 giai đoạn, với tổng vốn thực hiện là 175,7 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025, kinh phí thực hiện là hơn 69,3 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2035 là hơn 105,3 tỷ đồng.
Đề án nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp góp phần nâng cao các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk; Gắn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn; Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp của khách du lịch. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ lựa chọn hỗ trợ 15 cơ sở hiện có, đang hoạt động trong loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, để các cơ sở duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, phát triển thêm mới 30 – 35 cơ sở tham gia vào du lịch sinh thái nông nghiệp; phát triển tour du lịch sinh thái nông nghiệp gắn kết với 6 di tích lịch sử để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương… Đến năm 2025, khách du lịch sinh thái nông nghiệp dự kiến đạt 404.000 lượt, doanh thu đạt 412 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.200 lao động.
Giai đoạn 2026 – 2035, tỉnh hình thành 30 mô hình vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã gắn với du lịch. Đồng thời, xây dựng 20 mô hình du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối mở rộng bán các nhóm sản phẩm nội vùng, liên vùng và xuất khẩu… Tổng lượt khách du lịch sinh thái nông nghiệp dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đạt 698.000 lượt, doanh thu 750 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.560 lao động.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu của Đề án là tập trung mọi nguồn lực xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, tổ chức hiệu quả các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch nông nghiệp trên địa bàn bằng nhiều hình thức với khách du lịch trong và ngoài nước; Phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, du lịch của tỉnh nhằm bảo đảm phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với việc hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch tỉnh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu được trải nghiệm và tham quan của du khách; tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hình thành mô hình mẫu về sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn tỉnh. Thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, Đắk Lắk tập trung hướng đến thị trường khách du lịch nội địa, từng bước thu hút khách quốc tế. Đầu tư hỗ trợ và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị phục vụ du lịch sinh thái nông nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Ngoài ra ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến kĩ thuật, hạ tầng để bảo đảm điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách.
Lê Thị Chung
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Tỉnh Đắk Lắk