Để bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách. Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, trong đó, có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Cụ thể, Nghị quyết số 10/NQ-HĐND, giai đoạn 2007 – 2010; Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND, giai đoạn 2012 – 2015; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, giai đoạn 2016-2020 về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 -2025.
Đến cuối năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 169 bộ chiêng, 723 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức được 128 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm văn hóa tỉnh; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Không chỉ quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa, tỉnh Đắk Lắk cũng đặc biệt quan tâm chăm sóc đội ngũ nghệ nhân. Xác định vài trò của nghệ nhân, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng chính sách riêng là Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 14/6/2023 về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, động lực cho các nghệ nhân tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Cùng với chính sách riêng, ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk triển khai hiệu quả chính sách của Trung ương, điển hình như Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 3 lớp truyền dạy đánh chiêng và các nhạc cụ dân tộc; phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm gốm thủ công của dân tộc Mnông; xây dựng 2 điểm du lịch tiêu biểu…
Theo ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, việc mở các lớp truyền dạy, phục dựng nghi lễ không chỉ tạo môi trường, không gian cho các giá trị văn hóa được diễn xướng, mà còn góp phần tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân. Từ đó, bà con có ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống tinh thần và thu nhập cho người dân.
Đưa các nghị quyết vào cuộc sống, mục tiêu cuối cùng của các chính sách chỉ là hỗ trợ vào nền tảng để động viên, tạo động lực, điều quan trọng nhất là chủ thể của văn hóa thật sự cảm nhận được vai trò, trách nhiệm của mình để bảo tồn, phát huy vốn quý của cha ông.
Văn hóa thành tài nguyên phát triển du lịch
Từ giá trị văn hóa truyền thống, nhiều địa phương đưa bản sắc văn hóa thành sản phẩm du lịch, trở thành tài nguyên quý giá để phát triển du lịch cộng đồng, tăng thu nhập cho người dân các buôn làng.
Buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột còn nguyên vẹn không gian của buôn làng Ê Đê cổ xưa, huyền bí với kiến trúc nhà dài, bến nước, rừng thiêng và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như cồng chiêng, các lễ hội, nghi lễ, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực… Chính sự độc đáo, đặc sắc đó đã tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Buôn trưởng buôn Akô Dhông Y Nuel Niê khoe: “Mỗi ngày, buôn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm không gian buôn làng, nét đẹp văn hóa, kiến trúc nhà dài cổ xưa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực của đồng bào Ê Đê. Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, Akô Dhông được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh và trở thành một trong những buôn sầm uất, giàu đẹp có tiếng trong khu vực”.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng ở nhiều buôn làng. Ngoài buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông, đầu năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã có thêm 2 buôn du lịch cộng đồng được công nhận gồm: Buôn Trí (huyện Buôn Đôn), buôn Kuốp (huyện Krông Ana).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu chia sẻ: “Tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn đét đẹp văn hóa các dân tộc bằng các chủ trương, giải pháp và hoạt động cụ thể. Từ đó, ngành văn hóa và các địa phương dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Hiện nay, nhiều đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng tour đã chọn văn hóa cồng chiêng, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tạo điểm nhấn cho du khách”.