Tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc cùng sinh sống, với khoảng 36% dân số là người dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên không gian văn hóa phong phú, đa dạng ở Đắk Lắk. Để có được điều đó, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được tỉnh đặc biệt coi trọng.
Nghi lễ truyền thống được phục dựng nhằm bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Đắk Lắk
Huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) hiện có 24 dân tộc cùng sinh sống, với 48% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đến nay, huyện đã khôi phục được 14 lễ hội văn hóa truyền thống, chủ yếu ở các buôn làng dân tộc thiểu số. Trong đó có 4 lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện, gồm: Mừng lúa mới của người Xê Đăng ở xã Ea H’Đing, ăn cơm mới của người Thái ở xã Ea Kuêh, lễ hội Lồng tồng của người Tày – Nùng ở xã Cư Mgar và Ngày hội văn hóa dân gian ẩm thực truyền thống dân tộc Ê Đê ở xã Ea Tul.
Cư Mgar cũng được xem là “cái nôi” của văn hóa người Ê Đê ở Đắk Lắk và hiện đang sở hữu một trong 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh, đó là “Ngữ văn dân gian lời nói vần của người Ê Đê”, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận từ năm 2022.
Ông Y Wem H’Wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar, cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch được huyện quan tâm, đầu tư. Gần như mỗi ngôi làng, địa danh trong huyện đều mang một bản sắc riêng do các cư dân đến đây sinh sống, làm ăn tạo nên. Điều này góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con.
Như ở buôn H’Ring (xã Ea H’Đing), Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng đã được khôi phục và duy trì đều đặn trong suốt 30 năm qua. Vào ngày đầu tiên của năm mới (dương lịch), sau vụ thu hoạch, bà con trong buôn tập hợp lại tổ chức lễ hội để cảm tạ trời đất, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, buôn làng hạnh phúc. Điều này đã giúp gắn kết các thế hệ người dân, tạo môi trường để thế hệ trẻ cảm nhận rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình, từ đó tiếp tục gìn giữ và phát huy cho các thế hệ sau. Nhờ vậy, tinh thần đoàn kết cộng đồng được củng cố bền chặt.
Cũng là lễ nghi liên quan đến nông nghiệp với mong muốn cầu cho dân làng được khỏe mạnh, lúa ngô đầy kho, nhà nhà no đủ, Lễ hội Lồng Tồng ở xã Cư Mgar (huyện Cư Mgar) được địa phương tổ chức đều đặn vào mồng 6 Tết âm lịch mỗi năm. Đây là nỗ lực lớn nhằm phục dựng và bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào Tày – Nùng đến làm ăn, sinh sống trên mảnh đất Cư Mgar. Đồng thời, đến hẹn lại lên, mỗi lễ hội đã trở thành niềm mong chờ của bà con, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chung vui, tìm hiểu. Ông Y Wem H’Wing cho rằng, từ những hoạt động này, chính quyền địa phương sẽ định hình, có kế hoạch bài bản hơn để bảo tồn, khai thác, phát triển quy mô lễ hội, hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Không chỉ riêng huyện Cư Mgar, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch là mục tiêu mà tỉnh Đắk Lắk đặt ra nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa ở địa phương. Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; hỗ trợ bà con thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ về dệt thổ cẩm, cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống, tặng các vật dụng liên quan phục vụ việc học cũng như sử dụng lâu dài.
Hoạt động của các câu lạc bộ này không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, từ đó hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đây là một trong những bước quan trọng, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên văn hóa. Đồng thời, giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch để được hưởng lợi từ du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ và phát huy di sản cũng như giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa. Nghiên cứu, khôi phục các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của các dân tộc. Tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư cũng như xây dựng các tiêu chí văn hóa mới hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại.
Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk: Với việc thực hiện các nội dung Nghị quyết số 10/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cũng như các nghị quyết chuyên đề đang góp phần tích cực vào mục tiêu chung là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Đắk Lắk, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng trên địa bàn.