Trong bài phát biểu về chính sách đánh dấu sự khởi đầu của kỳ họp quốc hội bất thường năm nay, ông Kishida cũng cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ tận dụng việc đồng yên đang ở mức giá thấp, đồng thời cũng cam kết tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, vốn được thực hiện tương đối nghiêm ngặt thời gian qua để phòng dịch Covid-19, theo tờ Nikkei Asia.
Kích cầu du lịch hậu đại dịch
Phiên họp quốc hội được triệu tập bất thường vào thứ Hai (ngày 03/10) này diễn ra khi tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với chính quyền của ông Kishida đang ở mức thấp. Để xoa dịu công chúng và cải thiện tỷ lệ ủng hộ, ông Kishida đang nỗ lực thực hiện các chính sách giúp bù đắp giá năng lượng và thực phẩm tăng.
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông Kishida cho biết chính phủ của ông đang tập trung vào ba lĩnh vực: phản ứng với giá cả tăng cao hơn do đồng yên trượt giá, tăng lương và đầu tư để mở rộng kinh tế.
Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, du lịch từ bên ngoài vào Nhật Bản đã đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Chi tiêu của khách du lịch nước ngoài ở Nhật Bản đạt mức kỷ lục 4,8 nghìn tỷ yên vào năm 2019, tuy nhiên đã giảm mạnh xuống còn khoảng 120 tỷ yên vào năm 2021. Nhật Bản, sẽ loại bỏ giới hạn đối với lượng khách đến nước ngoài hàng ngày vào ngày 11/10, đang hy vọng đồng yên trượt giá cũng là một động lực thu hút khách du lịch nước ngoài quay trở lại.
Đồng yên đã chạm mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng đô la Mỹ vào tháng 9 vừa qua. Đồng yên giảm giá sẽ thúc đẩy sức chi tiêu của du khách nước ngoài khi họ đến Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ tối đa hóa lợi thế của đồng yên yếu hiện tại” nhằm phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, ông Kishida nói.
Giải quyết vấn đề năng lượng và chi phí tăng cao
Sự sụt giảm của đồng yên cũng thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho các sản phẩm của Nhật Bản rẻ hơn ở nước ngoài và tăng giá trị doanh thu ở nước ngoài tính theo đồng yên. Tuy nhiên, sự chênh lệch tỷ giá này cũng khiến chi phí nhập khẩu các mặt hàng tăng lên, trong đó có năng lượng.
Tình hình này đã khiến nước Nhật tốn kém nhiều hơn khi họ phải nhập khẩu hơn 90% nhu cầu năng lượng. Ông Kishida đã bày tỏ lo ngại rằng hóa đơn tiền điện có thể tăng mạnh từ nay đến mùa xuân năm tới do giá khí đốt tự nhiên đã tăng trên toàn cầu sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng Hai năm nay.
Và để giải quyết vấn đề này, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ thực hiện các bước “chưa từng có” để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và công ty. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề giá cả gia tăng và chắc chắn sẽ khôi phục nền kinh tế” của một Nhật Bản thiếu thốn tài nguyên, ông Kishida nói.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, chính phủ sẽ vạch ra một gói phát triển kinh tế trong tháng 10 và sẽ trình lên quốc hội một dự luật ngân sách bổ sung cần thiết cho năm tài chính đến hết tháng 3 năm 2023.
Về mặt quốc phòng và ngoại giao, ông Kishida nhắc lại chính quyền của ông sẽ cố gắng cập nhật bản định hướng chính sách dài hạn, được gọi là Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản vào cuối năm nay. Đây sẽ là bản sửa đổi đầu tiên kể từ khi Chiến lược này được thông qua vào năm 2013.
Dù lâu nay được cho là một trong những chính trị gia ôn hòa trong đảng bảo thủ cầm quyền LDP, ông Kishida cho biết chính phủ “sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào” để bảo vệ người dân.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định: “Chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định ở châu Á và thế giới thông qua chính sách ngoại giao nhiều tầng, nấc đồng thời tăng cường mạnh mẽ các khả năng quốc phòng”.