• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Cấp bách có chiến lược thu hút khách quốc tế

    Thứ Sáu, 16-12-2022 / 9:36:51 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    179 Lượt xem

    Dù ngành du lịch đã đón hơn 96 triệu lượt khách nội địa nhưng vẫn còn đó nỗi buồn thiếu vắng khách quốc tế và mục tiêu chưa như kỳ vọng

    Tính chung trên cả nước, hơn 11 tháng của năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 96 triệu lượt khách nội địa nhưng mới đón trên 3 triệu lượt khách quốc tế.

    Khách quốc tế mới dần trở lại

    Theo thông tin từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng, dự kiến năm 2022, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 3,5 triệu lượt, tăng 2,9 lần. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 400.000 lượt; con số này dù tăng 3,8 lần so với năm 2021 nhưng cũng chỉ chiếm hơn 10% tổng lượng khách của tỉnh.

    Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút khách quốc tế; tập trung phân khúc thị trường khách có khả năng chi trả cao; đồng thời, làm mới các sản phẩm hiện có.

    Cấp bách có chiến lược thu hút khách quốc tế - Ảnh 1.

    Du khách quốc tế tham quan TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

    Còn tại tỉnh Khánh Hòa, đến hết tháng 11-2022, tỉnh này chỉ đón được khoảng 225.147 lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách Hàn Quốc với 150.000 lượt; mới đạt hơn 50% mục tiêu đề ra.

    Du khách Hàn Quốc đang là lượng khách chủ lực nên tỉnh liên tục có những đợt xúc tiến mạnh mẽ thị trường này. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc phục hồi khách du lịch quốc tế đang dần dần trở lại với thị trường Trung Á, Đông Nam Á, châu Âu…, trong đó thị trường Hàn Quốc được đánh giá là triển vọng nhất.

    “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, khẳng định Khánh Hòa là điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn và thân thiện, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp quốc tế” – bà Lệ Thanh nói.

    Hoạt động quảng bá yếu

    Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhận định đến thời điểm này, có thể nói mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam là không đạt. Dù trước đó, ngành du lịch kỳ vọng sức nén mạnh sau dịch COVID-19 sẽ thu hút lượng khách quốc tế đến nhưng trong lúc du lịch nội địa đạt khoảng 96 triệu lượt khách thì du lịch quốc tế lại rất khó.

    “Muốn đạt 5 triệu lượt khách quốc tế thì phải phát động thị trường, tập trung quảng bá, có chiến lược bài bản. Thái Lan vừa công bố đón 10 triệu lượt khách quốc tế và năm tới họ đặt mục tiêu là 20 triệu lượt khách. Vậy Việt Nam nghẽn ở đâu? Một trong những điểm nghẽn là tài chính khi các doanh nghiệp lữ hành rất khó khăn về vốn, không tiếp cận được nguồn lực đủ để phát động thị trường, lan tỏa rộng và là đầu tàu kéo ngành du lịch đi theo” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

    Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), nếu không có khách quốc tế, những khách sạn, resort 5-6 sao trên khắp cả nước, ở những điểm du lịch nổi tiếng sẽ rất vắng khách. Thời điểm này, dù đã qua mùa cao điểm khách nội địa, bước vào mùa cao điểm khách quốc tế nhưng nhiều khách sạn, resort vẫn đóng cửa hoặc chỉ hoạt động từng phần… Điều này cho thấy tầm quan trọng của khách quốc tế tới ngành du lịch.

    Các doanh nghiệp đều nhận định một trong những điểm nghẽn đã nói nhiều nhưng chưa được giải quyết là rào cản về visa. Dù ngành du lịch đã áp dụng miễn visa cho các thị trường như trước dịch COVID-19 nhưng thủ tục chưa thật sự thông thoáng. Trong khi đó, nhiều nước đang có những biện pháp mở cửa trong chính sách thị thực nhiều hơn và cạnh tranh với điểm đến Việt Nam.

    “Các thị trường được miễn visa vẫn còn ít và đặc biệt vẫn chỉ miễn visa cho khách quốc tế trong 15 ngày. Trong khi những thị trường xa ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha hay khu vực Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, theo khảo sát của các cơ quan nghiên cứu về thị trường khách du lịch châu Âu, sau dịch COVID-19, họ đi du lịch dài ngày hơn và ở lại 1 địa điểm lâu hơn. Các thị trường Mỹ, Úc… cũng tương tự xu hướng này. Ngay khách châu Âu đến Việt Nam cũng thường chọn ở dài từ 18-21 ngày nhưng chúng ta miễn thị thực chỉ 15 ngày” – ông Hoàng Nhân Chính phân tích.

    Kết quả là nếu lựa chọn có quyền giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, họ sẽ lựa chọn Singapore, Thái Lan, Malaysia… vì miễn thị thực 30 ngày, thậm chí dài ngày hơn.

    Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đánh giá các hoạt động xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch Việt Nam vẫn yếu và chính sách giá bất cập. Như thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng, dù hãng hàng không đã nỗ lực mở đường bay để tạo thị trường nhưng kế hoạch cùng cơ quan quản lý du lịch vẫn chưa có nhiều đợt xúc tiến nào tại thị trường này.

    Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng quan trọng nhất lúc này đối với ngành du lịch là có chính sách cởi mở hơn đối với du lịch quốc tế. Cần có những cách làm hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những khó khăn về vốn.

    “Cần có thêm những biện pháp cấp bách ngay thời điểm này, thậm chí có thể lập tổ công tác đặc biệt về du lịch với sự tham gia của cả cơ quan nhà nước và đại diện cho khối doanh nghiệp, khối các hiệp hội để cùng tìm giải pháp tạo đột phá cho du lịch” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
    Nguồn : Người Lao Động
    Tin mới