Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Năm 2020, ngành Du lịch thế giới và Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ do tác động của dịch Covid-19. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong năm 2020, lượng khách quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương 74% so với năm 2019, kéo theo tổng thu du lịch cũng sụt giảm ở mức gần 1.000 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%; khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; thiệt hại ước tính khoảng 23 tỷ USD.
Không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội, dịch Covid-19 còn làm thay đổi thói quen chi tiêu của người dân. Theo nghiên cứu của Nielsen trong năm 2020, người Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng với 70% số người được hỏi cho rằng phải xem xét lại kế hoạch du lịch, 60% cho biết sẽ thay đổi hoạt động giải trí, 47% thay đổi thói quen ăn uống và 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến…
Còn theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) về nhu cầu và xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ Covid-19, 40% số người được hỏi cho biết có mong muốn đặt tour trực tuyến, chỉ 12 – 15% vẫn đặt tour qua công ty du lịch. Những số liệu này cho thấy, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc và giao dịch thuận tiện hơn. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ buộc phải tích cực chuyển đổi số để bắt kịp xu thế.
Khẳng định đây là thời điểm thích hợp để tiến hành chuyển đổi số, ông Nguyễn Châu Á, CEO Công ty Oxalis Adventure Tours nói: “Trên thế giới, chuyển đổi số trong ngành Du lịch đã manh nha từ những năm 90 và bắt đầu mạnh mẽ khoảng hơn 10 năm trước. Trong khoảng 10 – 20 năm tới, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên thế giới một là đã chuyển đổi số xong, hai là bản thân là công ty số từ lúc thành lập. Do vậy, chuyển đổi số là một chiến lược bắt buộc phải làm, sớm chừng nào tốt chừng nấy”.
Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Giảng viên chính Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nếu doanh nghiệp không nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng số hóa, họ sẽ bị các đối thủ vượt mặt và giảm khả năng cạnh tranh… Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp dám liên tục thử thách mình, đồng thời biết chấp nhận rủi ro và thất bại”.
Doanh nghiệp chủ động vào cuộc
Sớm nhìn nhận, đánh giá những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, không ít doanh nghiệp du lịch đã tiến hành chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào các hoạt động marketing, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực… CEO Công ty Oxalis Adventure Tours Nguyễn Châu Á chia sẻ: Từ khi Oxalis hình thành đến nay, kể cả trong mùa dịch Covid-19, hơn 90% nguồn khách của Oxalis đều đến từ internet. Ngay từ những ngày đầu, Oxalis đã trang bị cho mình những yếu tố của một công ty du lịch số cần phải có, đó là: Sự hiện diện và uy tín trên internet, sales (bán hàng), after-sales (hỗ trợ sau bán hàng) và marketing online (tiếp thị trực tuyến), quản lý nội bộ bằng hệ thống… Nhờ đó, đối tượng khách hàng Oxalis tiếp cận rộng hơn, trực diện và chủ động hơn. Kết quả là, trước Covid-19, trên 80% khách của Oxalis là khách quốc tế trực tiếp biết đến Oxalis, Phong Nha (Quảng Bình) và Việt Nam.
Là một trong những mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất thế giới, Facebook đã và đang đồng hành cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện các chương trình quảng bá như: “Sức sống Việt Nam”, “Tự hào Việt Nam”, sản xuất video clip “Bao la Việt Nam” và ra mắt fanpage cùng tên… nhằm tăng cường nhận diện hình ảnh quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trên các nền tảng của mình. Đặc biệt, việc “bắt tay” với hãng hàng không Vietjet Air trong chiến dịch quảng bá của hãng này đã mang lại những kết quả ngoài mong đợi.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách công phụ trách thị trường Việt Nam, Tập đoàn Fcebook cho biết: “Bằng việc sử dụng video ca nhạc “Bao la Việt Nam” trong chiến dịch “Bao la Việt Nam – Bay xanh cùng Vietjet”, hãng hàng không Vietjet Air đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể khi tỷ suất doanh thu/ lợi nhuận tăng gấp 134 lần vào mùa hè 2020; tỷ lệ đặt vé trên website tăng 25%, tỷ số nhận dạng chiến dịch quảng bá tăng 3,6 điểm và tỷ lệ tìm kiếm Vietjet Air cũng tăng 4%. Đây là ví dụ cho thấy Vietjet Air đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong marketing và hợp tác thành công với facebook”.
Cần sự chung sức của các bên
Không chỉ chủ động tiến hành chuyển đổi số để quản lý hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường marketing… thời gian qua cũng chứng kiến sự ra đời của hàng loạt ứng dụng về du lịch trên nền tảng điện thoại do các doanh nghiệp trong nước xây dựng hoặc phối hợp cùng Tổng cục Du lịch như: Du lịch Việt Nam an toàn, Hướng dẫn viên du lịch, Hahalolo, Vibook, VietnamGuide… cho phép người dân, du khách, hướng dẫn viên, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các điểm đến, các ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước có thể kết nối với nhau trên một nền tảng chung, nhằm mang lại sự thuận tiện trong việc cập nhật tin tức du lịch, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chuyển đổi số không hề dễ dàng bởi hạn chế về nguồn lực kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực. Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính chia sẻ quan điểm: “Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới hơn 80% tổng số doanh nghiệp của ngành Du lịch. Họ không có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, muốn chuyển đổi số thành công, cần có sự đầu tư từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, ngành Du lịch cần tiến hành khảo sát thực tế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan; sau đó xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là một nền tảng cơ sở dữ liệu (database) chung có khả năng liên thông để các doanh nghiệp, địa phương cùng khai thác dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia miễn phí”.
Theo nhiều chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp, con người mới là yếu tố quyết định để vận hành, áp dụng công nghệ vào chuyển đổi số. “Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số cần được thực hiện ngay bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có chuyên gia công nghệ thông tin đủ trình độ, khả năng để đưa doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Ngành Du lịch nên tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp, để những người đang làm các công tác khác như điều hành tour, lễ tân… cũng có thể học thêm về công nghệ thông tin, nâng cao trình độ và đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới”, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.
Để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch Covid-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành Du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Trước đây, người ta thường nói “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng trong thời đại số ngày nay sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ai chuyển đổi nhanh sẽ thích ứng và chiếm được thị trường, ai bảo thủ sẽ khó có thể trụ được. Đấy là thông điệp về sự cần thiết phải chuyển đổi số trong ngành Du lịch…
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam: “Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự phát triển tất yếu tại Việt Nam và thế giới. Nhận thấy mình còn nhiều điểm yếu, tiềm năng hạn hẹp nên ngay khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan (tháng 2-2020), chúng tôi đã quyết định chuyển đổi số, dùng công nghệ 4.0 để quản lý khách hàng và các dịch vụ tour tuyến. Nhờ đó, chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã lấy lại được sự ổn định và phát triển khá bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Tập đoàn Silk Path Hotels and Resorts: “Chuyển đổi số đòi hỏi chi phí quá lớn trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn khách gần như không có. Trong khi đó, du khách và nhiều doanh nghiệp lữ hành lại luôn muốn chúng tôi giảm giá, nâng cao chất lượng, chưa kể còn các chi phí vận hành khách sạn, trả lương cho nhân viên… Đó là bài toán khó trong thời điểm hiện nay dù chúng tôi đã rất cố gắng để duy trì hoạt động. Vì thế, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những khách sạn ở phân khúc trung bình rất khó có khả năng tự bỏ chi phí để thực hiện chuyển đổi số…”.