Thời gian qua, thị trường khách nội địa đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, so với các quốc gia Đông Nam Á, tổng lượng du khách nội địa cũng như tổng thu từ thị trường nội địa vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch, để vượt khó thị trường nội địa luôn là cứu cánh của ngành du lịch bởi tốc độ phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, cả tổng lượng khách và tổng thu từ du khách trong nước vẫn còn nhiều điều phải tính đến. Theo Trưởng khoa Du lịch học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) TS Phạm Hồng Long, ở thời điểm hiện tại, dân số Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á nhưng lượng khách du lịch nội địa của Việt Nam lại thấp hơn Thái Lan, Malaysia (2 quốc gia có tổng dân số thấp hơn Việt Nam).
“Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Thái Lan cho thấy năm 2019, tổng lượng khách du lịch nội địa của quốc gia này đạt 223 triệu lượt. Trong khi đó, Cục Thống kê Malaysia cũng cho biết lượng khách nội địa nước này năm 2019 là 239 triệu lượt” – TS Phạm Hồng Long dẫn chứng. Không chỉ có vậy nếu như năm 2011 chi tiêu của khách du lịch nội địa trung bình 977.700 đồng/ngày, nhưng đến năm 2020 cũng chỉ đạt 1,15 triệu đồng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với thị trường du lịch nội địa khu vực Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy, chỉ có một số thời điểm như nghỉ hè và những ngày lễ lớn trong năm như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 30/4 và 1/5 mới thu hút du khách nội địa, còn các mùa khác trong năm, du lịch nội địa tương đối vắng vẻ. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch mà khách lựa chọn cũng không đa dạng. Các điểm đến mà khách du lịch nội lựa chọn phổ biến nhất là nghỉ dưỡng biển, do đó du khách không có cơ hội chi tiêu vào những trải nghiệm khác.
“Qua đợt khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch phải dựa hoàn toàn vào thị trường nội địa. Thế nhưng, thực trạng tồn tại lâu nay cũng thể hiện ra là du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách du lịch quốc tế. Trong khi thị trường khách du lịch nội địa vẫn chưa được quan tâm khai thác một cách tương xứng” – TS Phạm Hồng Long nêu rõ.
Thực tế hiện nay, khi thị trường quốc tế chưa ổn định trở lại sau đại dịch, thì việc khai thác thị trường nội địa chính là cơ hội để doanh nghiệp du lịch tận dụng để phục hồi, bứt phá. Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia du lịch cho rằng, những chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận điểm đến, phương thức di chuyển và sử dụng dịch vụ. Cụ thể, để tạo ra các giá trị hữu ích cho du khách nội địa, các chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo, hướng tới nhu cầu thiết thực của khách nội địa, thậm chí phải vượt qua mong đợi của họ.
Bên cạnh việc khai thác các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch đêm, ẩm thực…, còn đòi hỏi doanh nghiệp chú trọng xây dựng những dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới như du lịch chăm sóc sức khoẻ, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao…
Khẳng định trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách có nhiều thay đổi, để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Bộ VHTT&DL cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước, từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn về kinh tế nhưng có tiềm năng phát du lịch. Cụ thể một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để phát triển du lịch nội địa bền vững, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra những cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước, để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch.