Chỉ 25 nước được đơn phương miễn thị thực là thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự Luật này do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Đại tướng Tô Lâm cho biết, một trong những mục đích của việc xây dựng Luật lần này đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Một trong những nội dung đáng quan tâm của việc sửa lại 2 Luật để thông qua 1 Luật lần này đó là chính sách về visa và thời hạn lưu trú. Theo đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đề xuất quy định thị thực điện tử (E-visa) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng.
Cùng với đó là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác.
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội), Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế.
Sau đại dịch COVID-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều các các nhà đầu tư, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, nhất là khách du lịch đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu, đầu tư, kinh doanh của nước ta.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đánh giá về việc mở cửa du lịch quốc tế của chúng ta đó “đi trước về sau”. Theo đại biểu, Vũ Tiến Lộc, chúng ta kiềm chế COVID-19 rất tốt và mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN nhưng chúng ta lại không đạt được thành quả như họ. Nguyên nhân một phần là vì chính sách visa chưa đủ cởi mở, chúng ta là nước “đi trước về sau” trong lĩnh vực này.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, với những thay đổi trong lĩnh vực này mà Quốc hội đang bàn thảo theo hướng cởi mở hơn và tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu sẽ thúc đẩy được việc xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch.
“Đây là một thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập mở cửa và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Đại biểu cũng bày tỏ hoan nghênh chủ trương cấp visa điện tử được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ. Quy định này đã được cơ quan soạn thảo tiếp cận những tiêu chuẩn của các nước ASEAN để đảm bảo cho chúng ta có sự cạnh tranh.
Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nâng thời gian lên từ 15 đến 60 ngày, vì nếu chỉ nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực. Trong khi đó, mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này.
“Nếu 45 ngày là tương đương với mức trung bình trong khu vực nên tôi đề nghị nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân của 25 nước, như vậy thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Tôi cho rằng nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, đồng thời với việc mở rộng danh sách chúng ta cho áp dụng thị thực điện tử” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Theo đại biểu Đoàn TP Hà Nội, trong thời gian qua, có những đối tác đầu tư kinh doanh hàng đầu của chúng ta nhưng họ không được hưởng chế độ này vì trong luật của chúng ta thiếu một chữ, chúng ta chỉ áp dụng đối với công dân các nước, chứ không có các vùng lãnh thổ và chính vì vậy mà họ đã không được hưởng các chế độ cần thiết đối với tư cách như là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Xem xét bổ sung loại thị thực đa mục đích
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), đây là luật có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc gia mà còn trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, đầu tư, thương mại.
Đại biểu lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, đó là chính sách thị thực cởi mở, thuận lợi của các quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng du lịch quốc tế.
Năm 2015 Indonesia triển khai miễn thị thực cho công dân của 169 nước với thời gian 30 ngày đã góp phần tăng lượng khách quốc tế của quốc đảo này lên 24%, tạo ra 400.000 việc làm. Năm 2015, chỉ sau 2 năm áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 40 nước, lượng khách quốc tế đến Ấn Độ đã tăng 21%, tạo ra 800.000 việc làm.
“Tôi đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo, nhất là quy định thị thực điện tử có thời hạn không quá 3 tháng so với 30 ngày như trước đây và bỏ quy định thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần, quy định về việc nâng thời hạn lưu trú tại Việt Nam lên 45 ngày so với quy định cũ 15 ngày đối với công dân các nước được đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. Có thể khẳng định đây là những quy định hết sức cởi mở, thể hiện tinh thần hội nhập mạnh mẽ, tạo thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục cho khách quốc tế” – đại biểu Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho khách nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương.
“Thực tế cho thấy, có rất nhiều khách nước ngoài sau khi vào làm việc, dự hội nghị ở Việt Nam đều có mong muốn được kết hợp đi du lịch, theo quy định hiện hành thì họ phải xin cấp thị thực du lịch sau khi kết thúc chương trình làm việc chính thức, vì các thị thực nêu trên không cho phép khách đi du lịch. Vì vậy, việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích kết hợp làm việc, dự hội nghị, hội thảo và du lịch là cần thiết, giảm thiểu thủ tục cho du khách và góp phần kích cầu du lịch” – đại biểu nêu quan điểm.
Về quá cảnh quy định tại chương IV, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc để tạo thuận lợi hơn trong các quy định về quá cảnh đối với người nước ngoài tại Điều 23, đồng thời xem xét tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ như đã được áp dụng rất thành công tại các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần thu hút đáng kể một lượng khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng cho rằng, Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch mà vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo Nghị quyết số 32/2022 của Chính phủ và các văn bản còn hiệu lực, Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân của 25 nước.
Con số này là khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi Malaysia miễn thị thực cho công dân của 162 nước, Philippines miễn 557 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước./.