Theo báo cáo về tình hình đón khách dịp lễ của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, lượng khách đến Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum tăng mạnh, còn Lâm Đồng tuy các chỉ số có tăng nhưng không quá cao. Riêng Đắk Lắk đón lượt khách vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngọn thác thu hút khách
Thời tiết nắng nóng gay gắt khiến xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi. Đa số họ chọn những điểm đến gắn liền với núi rừng, sông, suối để tận hưởng cảm giác thoải mái của thiên nhiên mang lại.
Nằm trong miền đất đỏ bazan, các con thác hùng vĩ với sức chảy mạnh tại Tây Nguyên được du khách quan tâm nhiều vào dịp lễ vừa qua.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, thác Dray Nur (huyện Krông Ana) vào dịp lễ năm nay thu hút lượng khách lớn với khoảng 130.000 lượt khách.
Vào ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ, đường lên cụm thác Dray Nur – Dray Sap xuất hiện tình trạng kẹt xe. Xung quanh khu vực thác, người dân, du khách đổ xô trải chiếu ngồi ăn uống, sinh hoạt, ngắm thác đổ.
Dòng thác nước chảy mạnh tạo hơi nước cùng với gió thổi đi xa. Nước bên dưới thác xanh màu ngọc bích, mang lại cảm giác mát mẻ và dễ chịu cho du khách. Khách đến thác đa phần là nhóm gia đình từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Tương tự, ở tỉnh Gia Lai, thác K50 nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hút khách đến trekking hay làng chài sông Sê San – thác Mơ cũng được lòng du khách.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 5 ngày nghỉ lễ, địa điểm du lịch làng chài sông Sê San – thác Mơ đón 4.000 lượt khách, tăng cao so với năm ngoái.
Lượng khách tăng mạnh
Dịp lễ năm nay, thời tiết nóng kỷ lục, du khách đổ xô đi biển nhiều để tránh nóng. Tuy nhiên, vẫn có số lượng du khách tìm kiếm sự mát mẻ tại các khu vực có sông, suối, các khu du lịch sinh thái thiên nhiên như khu vực Tây Nguyên. Yếu tố này giúp lượng khách của 5 tỉnh Tây Nguyên tăng, riêng cao nguyên Lâm viên hạ nhiệt so với các kỳ lễ cao điểm trước đó.
Trong 5 tỉnh, du lịch Đắk Lắk đón lượng khách tăng đột biến, tăng mạnh cả về lượng khách nội địa lẫn khách quốc tế. Cụ thể, Đắk Lắk đón 565 lượt khách quốc tế, tăng 156,8%; khách nội địa đạt 114.735 lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ lượt khách tham quan và lưu trú 57,3 tỷ đồng.
Lượt khách lưu trú tại tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên tăng phi mã vào dịp lễ 30/4-1/5 năm nay. Tổng lượt khách lưu lại Đắk Lắk ước đạt 51.885 lượt khách, tăng 271,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng khách lưu trú chiếm phần đông là khách nội địa, đạt 51.631 lượt khách, tăng hơn 271% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng buồng ước đạt 65-80%.
Xếp sau Đắk Lắk là tỉnh Gia Lai, đón hơn 76.300 lượt khách, tăng 160% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022.
Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Đồng) dịp lễ năm nay có phần hạ nhiệt. Con số thống kê về lượng khách lui tới đây tăng nhưng không quá vượt trội so với các khu vực trên địa bàn Tây Nguyên. Tổng lượng khách tính từ 30/4 đến 3/5 đạt 120.000 lượt, chỉ tăng 10,9% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình lễ 30/4-1/5 năm ngoái cũng không mấy khả quan, tỉnh ước tính đón 180.000 lượt khách, song thời tiết không mấy thuận lợi khiến lượng khách đến cao nguyên Lâm Viên giảm đến 50%.
Du khách năm nay có xu hướng chuyển lên Măng Đen (thuộc tỉnh Kon Tum) để nghỉ dưỡng thay vì đi Đà Lạt như trước đó. Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, chỉ tính 2 ngày 30/4-1/5, thị trấn này đón khoảng 30.000 du khách từ đa dạng vùng miền như Đắk Lắk, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ngãi, Bình Định,…