Du lịch tự túc là một trong những xu hướng của năm 2022, đòi hỏi các công ty lữ hành phải đổi mới sản phẩm, dịch vụ, phương thức tiếp cận, nếu không muốn đứng ngoài “cuộc chơi”.
Xu hướng hiện nay nhiều người lựa chọn du lịch tự túc, đi bằng phương tiện cá nhân |
Doanh nghiệp lữ hành lo lắng
Kết quả cuộc khảo sát nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19, do Hội đồng Tư vấn du lịch phối hợp với một cơ quan báo chí thực hiện mới đây với 10.717 người trả lời cho thấy, nhu cầu của khách du lịch trong nước hiện rất lớn. Du khách Việt Nam ưa chuộng du lịch ngắn ngày và nhóm nhỏ, khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; 78% chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội) hoặc nhóm bạn bè.
Từ xu hướng này, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định, đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 giờ chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đặc biệt, theo khảo sát, đi du lịch bằng máy bay và xe riêng là ưu tiên với 65% du khách. Trong đó, du khách Hà Nội và TP.HCM vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. Do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung bị giảm (cả máy bay và xe khách giảm 10%), xe du lịch và tàu hỏa cũng trong xu thế giảm. Trong khi đó, nhu cầu đi xe cá nhân tăng lên. Theo lứa tuổi, khách trẻ tuổi và lớn tuổi vẫn có xu hướng lựa chọn đi máy bay (từ 65% còn 62%). Khách trung tuổi giảm lựa chọn đi máy bay (từ 64% còn 56%) và lựa chọn đi xe riêng nhiều hơn (từ 23% lên 32%).
Du lịch sẽ phục hồi thế nào vẫn là viễn cảnh chưa thể dự báo đầy đủ, chính xác, tuy nhiên tương lai của các công ty lữ hành đang bị đặt dấu hỏi lớn. Nhiều đơn vị lữ hành cho biết, vị trí, vai trò của họ đã bị suy giảm từ khi đại dịch xuất hiện. Với việc lên ngôi của xu hướng du lịch tự túc, bài toán này sẽ càng thêm khó trong năm 2022. Sản phẩm tour trọn gói vốn là chủ lực của các công ty lữ hành được dự đoán khó trụ trong thời gian tới.
Để thích ứng với xu hướng này, nhiều hãng lữ hành đã thiết kế các gói combo vé máy bay, khách sạn hoặc mở dịch vụ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn hỗ trợ du khách. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho hay, du khách của hãng lữ hành này chuộng đi nhóm nhỏ, đi riêng, thời gian du lịch ngắn. Các sản phẩm nghỉ dưỡng được ưu tiên, vì thế, Vietravel đã đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu khách hàng, đáp ứng yêu cầu từ du khách.
Vietravel đã cung ứng dịch vụ vận chuyển thông minh cho doanh nghiệp, triển khai gói dịch vụ kết hợp lưu trú phòng khách sạn + xe/vé máy bay cho nhu cầu du lịch tự túc cá nhân. Ngoài ra còn đưa vào khai thác loại hình tour riêng thiết kế theo nhu cầu bên cạnh các sản phẩm đặc thù khác như staycation, tour xe tự lái (caravan), du lịch gia đình bằng xe riêng…
“Trong giai đoạn bình thường mới, Công ty cũng linh hoạt đổi mới ở hai hoạt động chính gồm: gia tăng tính an toàn bằng cách áp dụng các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú và tăng cường tìm kiếm, khảo sát, cho ra đời các bộ sản phẩm mới phù hợp với thị trường”, bà Khanh bật mí.
Trông đợi vào thị trường quốc tế
Theo đại diện một hãng lữ hành quy mô lớn tại Hà Nội, một trong những lý do khiến xu hướng du lịch tự túc tăng cao chính là sự chủ động của khách để thích ứng với hoàn cảnh mới. Du khách thích tự đặt các dịch vụ online để đỡ phụ thuộc vào các công ty lữ hành bởi xu hướng “ít chạm” bùng nổ thời dịch.
Nguyên nhân khác quan trọng không kém là chính sách hủy dịch vụ chưa đảm bảo tối ưu quyền lợi cho du khách. Khi đã đặt tour hay dịch vụ, khách phải trả tiền trước hoặc đặt cọc, nhưng khi không đi được do phải giãn cách xã hội thì không có du khách nào được hoàn tiền 100%, hoặc thời gian hoàn tiền kéo dài. Bởi thế, nếu các doanh nghiệp hàng không, lưu trú, lữ hành không điều chỉnh chính sách này, du khách sẽ không chuẩn bị đi du lịch sớm và trong đợt lễ 30/4 – 1/5, cao điểm hè sắp tới, sẽ tái diễn nạn ùn tắc giao thông, “cháy” phòng, chặt chém do du khách đi tự túc, trong khi doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển thất thu.
Theo Tổng giám đốc Công ty TST Tourist, ông Lại Minh Duy, ngành công nghiệp không khói cần tính toán, thay đổi các chính sách hủy, phạt đối với khách đặt dịch vụ từ trước. Nếu không được đảm bảo quyền lợi, du khách sẽ không đăng ký tour sớm và chọn du lịch tự túc. Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp truyền thông hướng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ địa phương như vận chuyển, lưu trú, ăn uống để chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẵn sàng cùng khách hàng hoãn chuyến đi khi dịch bùng phát và đưa khách trở lại khi tình hình ổn định.
Du lịch nội địa được xem là lối thoát cho ngành kinh tế xanh, nhất là các doanh nghiệp lữ hành trong bối cảnh du lịch quốc tế mới chỉ hé mở. Tuy nhiên, xu hướng du lịch tự túc khiến các hãng lữ hành chưa thể vực dậy, mà phải trông đợi vào thị trường khách quốc tế. Họ đề nghị chính sách chống dịch phải nhất quán, đồng bộ từ Chính phủ đến các địa phương để người dân yên tâm lựa chọn dịch vụ tour. Đồng thời, mong Chính phủ quyết liệt hơn trong việc công bố mở cửa đón khách quốc tế, đưa khách Việt Nam đi nước ngoài và mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch nội địa.