Đó là nhận định của ông Đặng Mạnh Phước, Chủ tịch Công ty OutBox Company tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới” do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì phối hợp với Oxalis Adventure tổ chức.
Dữ liệu điều tra của OutBox cho thấy, từ cuối năm 2023, tỷ lệ phục hồi của du lịch Việt Nam đạt gần 70%, xấp xỉ tỷ lệ phục hồi trung bình các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) là 72% và ngang ngửa với các quốc gia hàng đầu trong khu vực như Thái Lan (70,39%) và Singapore (71,3%). Chúng ta chỉ thua Malaysia (77,1%) và Cambodia (83,49%) là 2 quốc gia có mức độ phục hồi tốt nhất khu vực.
Phân tích dữ liệu đi sâu vào từng thị trường sẽ thấy mức độ phục hồi này rất rõ ràng. Hầu như các thị trường trong danh sách Top 15 thị trường khách hàng đầu tới Việt Nam đã dần phục hồi tích cực trong năm 2023. Trong đó tỷ lệ phục hồi cao nhất là Australia (176,4%), Ấn Độ (232,4%), Singapore (106,2%) và Cambodia (102,3%) so với cùng kỳ năm 2019.
Quý 1/2024 cũng cho thấy sự tăng trưởng ở hầu hết các thị trường.
Theo số liệu quý 1/2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý 1/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Có thể thấy, tính đến nay, thị trường tổng thể của du lịch Việt Nam đã gần như phục hồi về quy mô và lượng khách, một vài thị trường mục tiêu bắt đầu có tăng trưởng dương trở lại sau 3 năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid gồm: Trung Quốc với 980 ngàn lượt, gấp 6,4 lần; Hàn Quốc với hơn 1,2 triệu lượt gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, trái với một số nhận định là khách Hàn Quốc bỏ Việt Nam thì năm 2023 chúng ta đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành điểm đến nước ngoài yêu thích thứ 2 của khách Hàn Quốc, chỉ xếp sau Nhật Bản (là thị trường truyền thống của người Hàn). Nhật Bản, Malaysia, Australia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ… vẫn tiếp tục là các thị trường có lượt khách tới Việt Nam đông đảo trong 3 tháng đầu năm.
Thị trường Ấn Độ được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm bớt khoảng trống trong khi chờ đợi sự phục hồi từ thị trường Trung Quốc. Theo dự báo của Google, tới năm 2040 thị trường khách Ấn sẽ đạt khoảng 80 triệu chuyến.
Số liệu đón khách quốc tế của nhiều địa phương trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2023 cũng rất khả quan. Cụ thể, ngành Du lịch TP.HCM đón gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 32,4%; Hà Nội cũng đạt con số 1,4 triệu khách quốc tế tăng 40%; Khánh Hòa, ước đạt hơn 500 ngàn lượt, tăng 84,7%; Quảng Ninh, đón 616 ngàn lượt tăng 310%. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, khách quốc tế ước đạt gần 636.000 lượt, tăng 21,6%.
Với tất cả những gì đang diễn ra, từ số liệu này, chúng ta có thể tự tin là du lịch Việt Nam sẽ phục hồi 100% vào quý 2/2024. Sớm hơn nhiều so với bình quân của khu vực Đông Nam Á.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương năm 2019. Những kết quả tích cực ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan để hiện thực hóa mục tiêu này trong năm nay.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành du lịch cũng chia sẻ thông tin, góc nhìn về các thay đổi trong xu hướng du lịch inbound tại Việt Nam, cung cấp phương thức chuyển đổi mô hình du lịch trọn gói, mua tour (B2B) sang tự túc (B2C) và các công cụ nghiên cứu xu hướng tìm kiếm, tiếp cận khách quốc tế đa kênh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá rằng, chuyển đổi số là chìa khóa, tạo động lực để ngành du lịch chuyển đổi xanh. Mặt khác, mô hình kinh doanh B2C trực tiếp hướng đến khách du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay, là vấn đề tất yếu, xu thế của thế giới mà các doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy phát triển, mạnh dạn chuyển đổi để đưa điểm đến gần hơn với du khách. Sự thay đổi này đòi hỏi tính sáng tạo, chuyên nghiệp và có nền tảng công nghệ. Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu tiếp cận, trải nghiệm cá nhân. Cùng với đó, chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin, xu hướng thị trường và tăng cường quảng bá, tiếp thị trên các nền tảng, đại lý du lịch trực tuyến .