Hệ sinh thái rừng phong phú, giàu tiềm năng
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, Việt Nam có diện tích đất rừng hơn 14,7 triệu héc ta, tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%. Rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động, thực vật hoang dã; đã có hơn 10.000 loài động vật, 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận với hơn 7.000 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ, trong đó, khoảng 5.000 loài cây dược liệu…
Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi cho con người thông qua các sản phẩm mà rừng cung cấp như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Rừng cũng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng. Đây là tiềm năng to lớn phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, trong đó có phúc lợi rừng.
Theo thống kê, đến nay, cả nước đã xác lập được 167 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 vườn quốc gia, 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 9 đơn vị khoa học. Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan hùng vĩ, gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh và bảo vệ môi trường, hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam còn có tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái rừng, nhất là phát triển du lịch sinh thái.
Thời gian qua, Chính phủ đã dành sự quan tâm và nguồn lực, cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để bảo vệ sự sống trên trái đất và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học trước các thách thức, nguy cơ đối với đa dạng sinh học… Hiện, các khu rừng, vườn quốc gia… đã và đang là nơi tổ chức các hoạt động du lịch, điểm đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi ngắm cảnh, quan sát động vật hoang dã. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân xung quanh, đặc biệt là những người dân ở “vùng đệm”, góp phần cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn vùng đó.
Mặc dù có hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, tuy nhiên, các hoạt động khai thác du lịch sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng sống gần rừng thời gian qua lại chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. “Chúng ta có tiềm năng về du lịch sinh thái nhưng chưa phát huy được việc này. Do đó, cần có sự nhìn nhận đúng đắn từ xã hội để mọi người biết đến 167 khu rừng đặc dụng đều có những giá trị quý giá riêng của nó” – ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường
Nhận thức rõ điều đó, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã ưu tiên phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái được thiết kế trên nền tảng những giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử của địa phương, đưa khách đến tham quan và tham gia những mô hình bảo tồn tài nguyên sinh thái do chính cộng đồng thực hiện, qua đó, góp phần bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, điển hình như tour du lịch tham quan rừng dừa nước xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể tại rừng dừa Bảy Mẫu do Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền xã Cẩm Thanh triển khai thử nghiệm thời gian qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách và chính người dân bản địa. Chương trình được thiết kế trên nền tảng điểm nhấn là ba giá trị sinh thái sẵn có của làng quê này, gồm: Vườn rau hữu cơ Thanh Đông – làng lúa – rừng dừa nước; từ đó gắn kết, mở rộng tham quan đến các di tích của Khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu, trải nghiệm cuộc sống thường nhật của bà con nơi đây.
Một điểm đặc biệt ở tour du lịch này chính là việc những người dân, cộng đồng bản địa sẽ đóng vai trò chính, là chủ thể để kể cho du khách nghe câu chuyện về các giá trị sinh thái – văn hóa của làng quê. Trong một tour thử nghiệm với nội dung được thiết kế là du lịch kết hợp học tập làm nông nghiệp sạch, du khách theo người dân đạp xe vào làng để tham quan, nghe kể chuyện lịch sử gắn với các di tích. Tiếp đó là hành trình qua sông trên những chiếc thúng chai để khám phá rừng dừa Bảy Mẫu và vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Tại đây, du khách sẽ được chính những chủ nhân vườn rau hướng dẫn cách canh tác gắn kết sinh thái, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ rau sạch… Sau đó, lại cùng cộng đồng tìm hiểu, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng dừa nước, nói không với đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần…
Có thể thấy, việc khai thác hợp lý, phục hồi, cải tạo và tái tạo tài nguyên du lịch sẽ làm tốt lên chất lượng môi trường du lịch, làm tăng sức hấp dẫn tại các điểm, khu du lịch. Ngược lại, việc khai thác không đồng bộ, không có các biện pháp phục hồi, tái tạo tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng sinh thái, gây nên sự giảm sút chất lượng môi trường, sự đi xuống của hoạt động du lịch cũng như chất lượng của môi trường du lịch ở khu vực đó.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch thời gian qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng. Hoạt động du lịch đã có những tác động góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn cảnh quan, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa, hoạt động của các làng nghề truyền thống. Và việc phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường chính là giải pháp hiệu quả thúc đẩy, xúc tiến hoạt động du lịch, tiến tới phát triển nền kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.