Đại diện một số doanh nghiệp, địa phương cho rằng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch không thể trông mãi vào phương thức xã hội hóa. Họ đề xuất nới lỏng chính sách chi ngân sách để tiêu được tiền trong Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HĐQT HG Group – nhận thấy trong những hội chợ du lịch quốc tế lớn bậc nhất thế giới như WTM, ITB lại không có gian hàng đại diện của du lịch Việt Nam. Ông Đức đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tìm cách để các gian hàng của Việt Nam có mặt tại các hội chợ du lịch lớn nhằm quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn về thương hiệu du lịch Việt.
Việt Nam cần chi nhiều hơn vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Chủ tịch HĐQT HG Group nhận định không thể trông vào nguồn lực xã hội hóa, bởi các doanh nghiệp không đầu tư mãi được.
“Việc giải quyết căn cơ đó là tìm mọi cách tiêu tiền trong Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Bộ VHTTDL cần tìm mọi cách để giải quyết cơ chế để làm sao tiêu được tiền trong Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch”, ông Ngô Minh Đức nêu.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM – cho biết chính sách trích ngân sách cho quảng bá, xúc tiến còn hạn chế. Thông tư 12 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến không áp dụng cho các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương.
“Quy định về mức chi, nội dung chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch gần như phải xã hội hóa. Việc này là rào cản, gây khó khăn cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị quảng bá, xúc tiến tại địa phương”, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM nêu.
Phản hồi về vấn đề chi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết quỹ này thành lập ra chỉ mang tính hỗ trợ, các doanh nghiệp không nên phụ thuộc vào quỹ này. Theo ông, cơ chế đã có, việc chi tiêu phải có định mức, vì vậy phải tiết kiệm.
“Vì là tiền thuế của dân nên không thể tùy tiện được. Việc chi quỹ, chi ngân sách lúc nào cũng có quy định chặt chẽ. Đây thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với du lịch. Du lịch tự làm, tự hưởng. Chúng ta phải tư duy là tổ chức các hoạt động lớn phải có doanh nghiệp vào cuộc. Không phải không tiêu được mà là sẽ tiêu”, Thứ trưởng Hồ An Phong nêu.
Ông khẳng định nhiều doanh nghiệp có nguồn lực sẵn sàng hỗ trợ, xã hội hóa nhưng ngành du lịch cần phải xây dựng ý tưởng và làm việc có hiệu quả. “Nếu doanh nghiệp tham gia đóng góp mà thấy hoạt động gây thất vọng thì không được. Chúng ta phải có ý tưởng, làm chuẩn”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng bàn thảo về tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế, đẩy mạnh phát triển du lịch thông qua điện ảnh và việc thành lập các trung tâm, văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc đặt văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam đầu tiên tại Lào – thị trường du lịch được đánh giá là không tiềm năng.