Những ngày qua, trên khắp các phường, xã, thôn, buôn của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung, đâu đâu cũng rộn ràng không khí của lễ hội. Nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách gần xa nô nức về dự lễ hội, tham quan các di tích lịch sử, thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây…
Lễ hội – món ăn tinh thần
Đến Đắk Lắk đúng dịp diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, chị Nguyễn Thị Đàn (tỉnh Nghệ An) cảm nhận rằng đây là vùng đất có nhiều điểm thú vị để khám phá.
Chị chia sẻ: “Dịp này, tôi và người thân đã được chụp hình, thưởng thức cà phê miễn phí tại phố đi bộ Phan Đình Giót, đến thăm Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu du lịch Kotam… Mỗi điểm đến đều để lại cho tôi những ấn tượng, nhất là sự hiền hòa, mến khách của người dân nơi đây. Tôi rất ấn tượng về những hàng cây xanh rợp bóng mà không phải thành phố nào cũng có được như Buôn Ma Thuột. Tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi đến với Buôn Ma Thuột đúng vào mùa lễ hội, lại được tận hưởng không khí trong lành của khí hậu nơi đây, của những mảng xanh ở ngay trung tâm thành phố”.
Rất đông người dân và du khách trải nghiệm trên phố thưởng thức cà phê miễn phí Phan Đình Giót. Ảnh: Hồng Chuyên |
Ngoài tham quan các điểm du lịch nội thành, chị Đàn cũng may mắn được tặng vé dự Đêm khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Theo chị, đây là đêm khai mạc được chuẩn bị công phu, hoành tráng, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của núi rừng Tây Nguyên. Nếu có điều kiện quay trở lại vào những dịp lễ hội lần sau, chị sẽ sắp xếp thời gian, công việc để tham quan các điểm du lịch khác ở Đắk Lắk như Khu du lịch Buôn Đôn, hồ Lắk, thác Dray Sáp…
Tương tự, anh Đỗ Như Ý (TP. Hà Nội) là một giảng viên đại học, cũng đã có những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Anh cho biết: “Đến với Buôn Ma Thuột lần này, tôi không chỉ được hòa mình vào không khí đặc sắc của Lễ hội, mà còn được thưởng thức ẩm thực hấp dẫn. Lễ hội thực sự là món ăn tinh thần của người dân, qua đó giúp tôi hiểu hơn về đất và người nơi đây”.
Ghé thăm phố đi bộ Phan Đình Giót, được thưởng thức chương trình âm nhạc Văn nghệ dân gian với chủ đề “Nhịp điệu Cao nguyên” diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ các dân tộc do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức, anh Ý vô cùng ấn tượng với các nghệ nhân, nghệ sĩ, với âm nhạc và các nhạc cụ được giới thiệu tại chương trình. “Sau nhiều ngày trải nghiệm và quan sát, tôi thấy không gian về văn hóa Tây Nguyên, về Đắk Lắk chưa có nhiều cho du khách thưởng thức; đặc biệt là về đêm chỉ có những hoạt động vui chơi giải trí hiện đại. Tôi nghĩ rằng cần nên có nhiều hơn những chương trình như “Nhịp điệu Cao nguyên”, nhất là trong lễ hội, bởi có thể đối với người dân nơi đây, việc này quá quen thuộc, nhưng đối với du khách thì phải cho họ thấy được nét đặc sắc thông qua văn hóa” – anh Ý chia sẻ.
Những điểm đến thân thiện
Không khí lễ hội không chỉ diễn ra ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, mà ở nhiều địa phương trong tỉnh củng tổ chức các hoạt động hưởng ứng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Mỗi điểm đến đều tạo dấu ấn riêng cho du khách, đó là Hội voi ở huyện Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc ở huyện Lắk, Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar…
Du khách tham quan các gian hàng Hội trại trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ Hội đua thuyền huyện Lắk lần thứ 3 năm 2023. |
Ông Trịnh Phú Hạnh (du khách đến từ Quãng Ngãi) bộc bạch: “Phải nói rằng, Lễ hội tổ chức rất công phu và hoành tráng. Trong các hoạt động của Lễ hội, tôi thấy đã tạo được điểm nhấn, phát huy được truyền thống của dân tộc, của địa phương. Đặc biệt là cà phê, là voi, là văn hóa các dân tộc bản địa khá đặc sắc, riêng biệt… mà không phải nơi nào cũng có được. Không những vậy, tôi còn ấn tượng về những con người nơi đây, họ thật thân thiện, họ yêu quê hương; đi đến đâu cũng chụp hình cập nhật tình hình lễ hội, lưu lại; những Fanpage của các bạn trẻ, hay các trang web tại địa phương giới thiệu những điểm đến, ẩm thực rất phong phú, giá cả hợp lý. Những nét tinh hoa, giá trị văn hóa và con người nơi đây đã mang lại cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng khó quên”.
Vượt quãng đường gần 50 km để tới thị trấn Liên Sơn – nơi diễn ra Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk lần thứ 3, chị Dương Thị Biên (xã Krông Nô, huyện Lắk) đặc biệt ấn tượng với sự nhộn nhịp, sôi động của lễ hội. Theo chị Biên, so với lễ hội những năm trước chật kín do không gian hẹp thì năm nay được dàn dựng, bố trí ngay Quảng trường Hoa viên rất rộng rãi, thoáng mát. Chị đã tìm được cho mình một vị trí đắc địa ở khu vực bờ hồ ngay quảng trường nên được chứng kiến trọn vẹn màn so tài đầy gay cấn, hồi hộp của các vận động viên. Chị Biên cho biết thêm: “Ngoài xem hội đua thuyền, tôi còn ghé xem những gian trại truyền thống được xây dựng công phu, chi tiết và rực rỡ. Hội trại năm nay cực kỳ đẹp, trưng bày các gian hàng là sản vật địa phương, nhiều loại rau, món ăn, sản phẩm vừa lạ, vừa đặc sắc, vừa hấp dẫn, đây là dịp để bà con cùng nhau vui vẻ, “xả hơi” sau những ngày lao động miệt mài, vất vả”.
Mùa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại, nhưng các chương trình, hoạt động đã mang đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc về truyền thống văn hóa của các dân tộc của tỉnh Đắk Lắk, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và còn là nhịp cầu mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng rằng, những người dân, du khách này sẽ là những “đại sứ” truyền thông để tiếp tục quảng bá, lan tỏa hình ảnh, con người Đắk Lắk thân thiện, mến khách và tìm đến, trở lại trong những chuyến du lịch, những dịp lễ hội lần sau.