Hướng dẫn viên du lịch quốc tế được ví như là “đại sứ” mang những nét đẹp về cảnh quan, lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương đến gần hơn với du khách nước ngoài.
Vững ngoại ngữ
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Đặng Xuân Vũ (hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh và tiếng Pháp) chia sẻ: Đối với một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, ngoại ngữ là điều kiện “cần” để giao tiếp được với du khách. Tuy nhiên, thời nay du khách nước ngoài không chỉ đơn thuần đi du lịch theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà họ đi để cập nhật, bổ sung kiến thức, khám phá những điều mới mẻ, thậm chí đi sâu vào tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó.
Vì vậy, đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế, biết ngoại ngữ thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải sử dụng thành thạo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết thì mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có như vậy, hướng dẫn viên mới có thể thuyết trình mạch lạc đầy đủ thông tin về các địa điểm du lịch, các di sản, phong tục, truyền thống văn hóa… đến với du khách tham quan.
Anh Đặng Xuân Vũ (hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh và tiếng Pháp) giúp du khách nước ngoài thưởng thức rượu cần Tây Nguyên. |
Bên cạnh vốn từ vựng phong phú, đa dạng để chọn lọc, truyền tải đúng ý nghĩa trong từng hoàn cảnh, hướng dẫn viên còn phải biết cách khơi dậy tính tò mò, tạo sự phấn khích muốn tìm hiểu của du khách. Như vậy, việc trao đổi kiến thức văn hóa, lịch sử với du khách trở nên dễ dàng hơn, góp phần tăng thêm sự hiểu biết và trải nghiệm thú vị cho du khách.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, người hướng dẫn viên phải luôn tự trau dồi và “làm mới” mình mỗi ngày thông qua các kênh thông tin quốc tế và đọc sách để mở rộng vốn từ, cập nhật những tin tức, kiến thức mới; sử dụng các phần mềm dạy ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo (AI) để học từ vựng và cách phát âm nhằm hoàn thiện kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, thường xuyên học hỏi từ đồng nghiệp và du khách để bổ sung thêm “kho tàng” kiến thức của mình.
Hướng dẫn viên du lịch quốc tế đóng vai trò như là “đại sứ” truyền thông đặc biệt giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam ra quốc tế”. Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk
|
Anh Vũ tự hào khoe: “Trải qua nhiều năm làm nghề, có lẽ niềm vui lớn nhất của tôi là đã “chinh phục” và “níu” chân được du khách quay trở lại Tây Nguyên du lịch nhiều lần, đặc biệt có nhiều người đã đến đây tận 17 lần.”
Giàu kỹ năng
Hơn 20 năm qua, anh Hoàng Đức Độ (hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Khám phá Tây Nguyên) đã tích lũy một “kho báu” lớn các kỹ năng mềm. Theo anh Độ, nhu cầu đi du lịch của khách nước ngoài là tìm hiểu kiến thức, học hỏi điều mới lạ chứ không đơn thuần để vui chơi, trải nghiệm. Bởi vậy, hướng dẫn viên du lịch quốc tế cần có nền tảng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những thông tin mới lạ. Nắm bắt được thị hiếu này, khi đưa du khách đến tham quan Tây Nguyên, anh luôn tìm kiếm những nét riêng, độc đáo để giới thiệu cho họ. Ngoài nhà sàn, cơm lam, cồng chiêng… giống với vùng Tây Bắc thì Tây Nguyên đại ngàn có điểm nhấn riêng là nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian ở nhà sàn của người Êđê, tượng nhà mồ của người Giarai… Mỗi bức tượng điêu khắc đều có những câu chuyện riêng nên anh sẽ bám vào đó để thuật lại, tạo sự cuốn hút, ấn tượng cho du khách.
Anh Hoàng Đức Độ (bìa trái) đưa khách tham quan Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum). |
Bên cạnh đó, bài thuyết minh được anh Độ xem là kỹ năng đặc biệt của hướng dẫn viên nhằm để lại ấn tượng, tạo nên giá trị cho mỗi tour du lịch. Anh Độ cho hay: Mỗi hướng dẫn viên sẽ có một bài thuyết minh riêng thể hiện phong cách riêng, khác lạ của mình. Bởi vậy, mỗi khi đặt chân đến một địa điểm tham quan mới, anh sẽ thường tranh thủ thời gian để cập nhật thêm kiến thức. Mỗi người sẽ có cách cảm nhận vẻ đẹp riêng, càng đi, càng tìm hiểu, anh sẽ càng đúc rút được nhiều kiến thức hấp dẫn, bổ ích để phục vụ du khách.