Để bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Buôn Akŏ Dhông là buôn của người Ê Đê, có diện tích 62,3ha với 247 hộ/1.004 nhân khẩu, được xem là một trong những buôn đẹp nhất TP. Buôn Ma Thuột, với khung cảnh đậm chất Tây Nguyên. Nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào Ê Đê ở buôn vẫn còn được gìn giữ qua nhiều thế hệ với 32 nhà dài truyền thống; có đội cồng chiêng, nghệ nhân, đội văn nghệ biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc; các nghề truyền thống như nấu rượu cần, dệt thổ cẩm vẫn được bảo tồn và phát triển; ẩm thực phong phú; các điểm du lịch, homestay đáp ứng được yêu cầu của du khách trong nước và quốc tế… Việc mở các dịch vụ giải trí văn hóa, văn nghệ truyền thống không chỉ tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân, mà còn bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, nhất là văn hóa của đồng bào DTTS…Trong thời gian qua, tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, công tác đào tạo tập huấn các kỹ năng nghề du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường góp phần định hướng và chung tay bảo tồn, phát huy thế mạnh cùng người dân xây dựng buôn thành điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc của tỉnh. Buôn Ako Dhong được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với các hạng mục cụ thể: xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn địa lý thuyết minh điểm đến để du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin; tập huấn cho người dân các kỹ năng phục vụ khách du lịch, văn hóa, ẩm thực và thành lập ban quản lý… Ngoài ra, Đảng ủy phường Tân Lợi ban hành chương trình triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo UBND phường xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể hằng năm, trong đó tập trung vào công tác bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Ê Đê tại buôn Ako Dhông gắn với phát triển du lịch cộng đồng. phường Tân Lợi đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí bảo tồn, giữ gìn và phục dựng hai ngôi nhà dài; tổ chức phục dựng lễ chúc sức khỏe cho người lớn tuổi và lễ kết nghĩa anh em ở buôn Ako Dhông; mở hai lớp đánh chiêng và múa xoang cho thanh niên trong buôn Ako Dhông. Buôn Ako Dhông còn xây dựng hương ước và đã được UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành quyết định công nhận vào năm 2021.
Ngoài buôn Akŏ Dhông, buôn Tơng Jú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cũng có lợi thế về vẻ đẹp tự nhiên, nhiều nghề truyền thống vẫn còn gìn giữ: dệt vải (có Hợp tác xã Dệt vải Tơng Bông), nấu rượu cần, cồng chiêng… Những cảnh quan đặc trưng của tỉnh cùng những con đường bích họa kể về đời sống, văn hóa các dân tộc Ê Đê, M’nông đã thu hút được nhiều du khách gần xa đến thăm quan. Buôn cũng đã thành lập nhóm làm du lịch với tên gọi Khu du lịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú với các thành viên là các hộ trong buôn. Mỗi thành viên đảm nhiệm mỗi công việc cụ thể: trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, nấu rượu cần… nhằm đóng góp và phục vụ khi có du khách ghé thăm. Qua đó, giúp các thành viên, người dân trong buôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời tăng cường sự giao lưu, lan tỏa văn hóa truyền thống, góp phần đẩy mạnh du lịch cộng đồng tại buôn.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đắk Lắk
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khảo sát, phát triển du lịch cộng đồng tại 8 buôn làng khác trên địa bàn. Mặt khác, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay (nâng cao kỹ năng giao tiếp, marketing, chăm sóc và phục vụ khách du lịch; tổ chức, dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian, văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch); bồi dưỡng kỹ năng chế biến món ăn phục vụ khách du lịch; tập huấn du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương cho người dân, xây dựng và tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay đặc thù, đạt chất lượng phục vụ du khách. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nâng cao nền kinh tế địa phương; đồng thời góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa các dân tộc một cách hiệu quả hơn.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng
Trong năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại 2 buôn: buôn Kuôp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana và buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đây là hai buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống, các hình thức biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống vẫn được duy trì, có điểm tham quan lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và đặc sản ẩm thực địa phương. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang rà soát nhằm hỗ trợ các hạng mục theo quy định, với mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/buôn đối với hai buôn được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 08. Song song với đó là triển khai các hoạt động hỗ trợ hình thành tour du lịch, thúc đẩy phát triển sản phẩm để người dân có thu nhập từ du lịch cộng đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS năm 2023 – 2024 tại buôn Tơng Ju, (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk). Không chỉ vậy, tỉnh còn lồng ghép kinh phí từ nguồn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn năm 2023 và Đề án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm hỗ trợ người dân tại các thôn, buôn tham gia các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư thực hiện đề án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch, đào tạo tập huấn kỹ năng nghề du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường…
Mặt khác, đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng cần quan tâm giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.
Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức làng nghề,nghề truyền thống và sản phẩm OCOP; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch tham quan các làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm OCOP; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch tham quan các làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm OCOP…
Việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng cần phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của khách du lịch (gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng địa phương; trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường ngày của người dân; tham quan phong cảnh…); và thu hút được các doanh nghiệp đầu tư về dịch vụ như hướng dẫn, ẩm thực, lưu trú, nhất là lưu trú tại nhà dân (homestay)…