Bà H Lát Niê – người dân trong buôn cho biết sau những bỡ ngỡ ban đầu, bà đang học hỏi thêm để tham gia làm du lịch cộng đồng: “Trước đây làm du lịch cộng đồng, tôi không biết bắt đầu từ đâu, rồi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đi tham quan buôn Akŏ Dhông và ba tỉnh phía Bắc. Khi về tôi cảm thấy có ý định muốn làm du lịch, cho nên gọi mấy đứa cháu giúp, học hỏi, tìm hiểu, hỏi những người có kinh nghiệm rồi mới làm theo được”.
Là buôn du lịch cộng đồng thứ 3 ở Đắk Lắk được công nhận, buôn Kuốp hiện còn lưu giữ khoảng 50 nhà dài truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa của người Ê Đê và Mơ Nông như: diễn tấu cồng chiêng, hát eirei, múa xoang, các lễ cúng bến nước, mừng lúa mới, bỏ mả và nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ. Giao thông thuận lợi, buôn Kuốp cách thành phố Buôn Ma Thuột 21 km, tọa lạc trên cung đường từ thác Dray Nur đi thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long).
Theo bà H Nó H Đơk, Trưởng buôn Kuốp, buôn đã thành lập Ban Quản lý Du lịch cộng đồng và định hướng các hộ gia đình xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Kỳ vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều hộ tham gia làm du lịch cộng đồng để tiếp tục lan tỏa đến mọi người dân trong buôn. “Sau khi công bố du lịch cộng đồng rồi sẽ nhân rộng ra mấy nhà khác làm tiếp theo. Dân làng dần dần sẽ thấy, vì người dân mà chỉ nghe không là họ chưa tin đâu. Phải nhìn thấy rồi, thấy được lợi nhuận của những nhà làm trước, rồi dần dần người ta sẽ học hỏi, làm theo”.
Cùng với nguồn lực đầu tư theo nội dung Nghị quyết 08, năm 2021 của HĐND tỉnh, buôn Kuốp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, thực hiện trong 3 năm, từ 2023 đến 2025. Điều này giúp gợi mở thêm hướng đi để du lịch cộng đồng ở địa phương có thể nhanh chóng bắt nhịp với 2 buôn du lịch cộng đồng được công bố trước đó là Akŏ Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).
Bà Lâm Thị Thanh Diệu – Phó Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Đắk Lắk cho rằng các buôn làng du lịch cộng đồng vẫn cần điều chỉnh và đầu tư thêm về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thể hiện được nét đặc sắc riêng biệt của cộng đồng dân tộc tại chỗ, tạo ra điểm nhấn khác biệt để hấp dẫn, lôi cuốn du khách. “Đây cũng là hướng đi mới nhưng cần phải khai thác thêm nhiều, bởi vì địa điểm chưa thuận theo tuyến du lịch, không kết hợp được nhiều điểm. Vì vậy muốn thu hút khách, tại đây phải có điểm đặc trưng và đặc sắc mới khai thác được”.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, phát triển du lịch cộng đồng vừa góp phần đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con gắn với phát triển du lịch. Chính vì vậy, phải làm sao để cộng đồng hiểu rõ và tích cực tham gia vào làm du lịch một cách chủ động thì mới tạo được “sức sống” cho du lịch cộng đồng.
“Trang thiết bị, mọi thứ trong nhà là người dân họ tự phải trang bị. Tuy nhiên là điều kiện kinh tế họ rất khó khăn, cho nên họ chỉ trang bị được điều kiện bình thường thôi, chưa ra được nét văn hóa gốc. Sắp tới thì Sở cũng sẽ kiến nghị tỉnh Đắk Lắk nên có thêm nội dung hỗ trợ một phần trang thiết bị bên trong, để theo định hướng là bảo tồn văn hóa của buôn thông qua các hoạt động du lịch”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết.
Với nhiều lợi thế, tiềm năng về thiên nhiên, đa dạng về bản sắc văn hóa, Đắk Lắk có nhiều triển vọng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong 2 năm qua, tỉnh đã công bố 3 buôn du lịch cộng đồng tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Krông Ana, là những địa phương có thế mạnh về làm du lịch. Với việc quy hoạch 16 thôn, buôn du lịch cộng đồng trong toàn tỉnh thì ngoài những lợi thế sẵn có, mỗi thôn buôn vẫn cần tìm ra những hướng đi riêng phù hợp, tạo điểm nhấn khác biệt để hấp dẫn, cuốn hút du khách, thúc đẩy loại hình du lịch này phát huy được sức hút và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội ở các buôn làng và bảo tồn văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số ở địa phương.