Ngoài thương hiệu nhận diện là cà phê thì các điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại Đắk Lắk đang trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách khám phá, trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.
Đa dạng sắc màu văn hóa
Đắk Lắk có dân số hơn 2 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Ngoài đồng bào Êđê, M’nông và J’rai là các dân tộc thiểu số tại chỗ, còn có các dân tộc thiểu số ở khắp các vùng miền trong cả nước như: Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái, H’Mông… Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng với những giá trị độc đáo về kiến trúc nhà sàn, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội, ẩm thực… Vì vậy Đắk Lắk có sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, về văn hóa truyền thống các vùng miền.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng với đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ như: thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thủy Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Dray Yông, Drai Dlông…, những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn Quốc gia Yok Don, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin… gắn với các dòng sông Sêrêpốk, Krông Ana, Krông Bông.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 44 di tích (lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc) được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh.
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại buôn Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đặc biệt, trong tháng 3 năm nay, khi đến với Buôn Ma Thuột, du khách sẽ được tham dự Hội voi Buôn Đôn với nhiều hoạt động như: Lễ cúng bến nước, Lễ tắm và cúng sức khỏe cho voi, Hội thi trang điểm cho voi…. Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk với nhiều hoạt động phụ trợ như: nghi lễ cúng hạ thủy thuyền, Lễ mừng thọ cùa người M’nông, trình diễn nghề làm gốm thủ công của người M’nông… Ngoài ra, du khách sẽ được tham gia các tour du lịch: hành trình cà phê, hành trình di sản; tour du lịch sinh thái, mạo hiểm như: đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk, chèo thuyền phao vượt thác ghềnh dọc trên sông Sêrêpốk và thác Dray Sáp Thượng đến thác Dray Nur, chèo thuyền Kayak dọc doạn sông Sêrêpốk; trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng tại các buôn Ako Dhông, buôn Tơng Jú, buôn Kuốp, buôn Trí, buôn Jun… Đây là những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt không thể bỏ lỡ.
Hòa mình vào không gian văn hóa cà phê
Điểm khác biệt của TP. Buôn Ma Thuột so với các đô thị khác là dọc dài những phố cà phê. Ở bất kỳ tuyến phố nào đều có các quán cà phê từ quán cóc vỉa hè cho đến các quán có phong cách hiện đại, cổ điển, với các gu thưởng thức khác nhau, từ pha phin, pha máy đến các kiểu pha chế hiện đại như late, capuchino, americano, coldbrew… Tại đây, các “tín đồ” cà phê còn có thể thưởng thức hương vị của ly cà phê đặc sản Việt Nam ghi danh hàng đầu trên đấu trường quốc tế.
Du khách nước ngoài tìm hiểu khâu rang cà phê tại Trang trại Aeroco Coffee (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đến với Buôn Ma Thuột, du khách không thể bỏ lỡ sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhất là các tour trải nghiệm cà phê. Với ý tưởng biến hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một số farm cà phê đã xây dựng lộ trình đưa du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm mới mẻ về sản xuất cà phê đặc sản như Trang trại Aeroco Coffee (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), Rẫy Nhà Si (huyện Cư M’gar), HTX Ea Tân (huyện Krông Năng)…
Ông Lê Đình Tư, chủ Trang trại Aeroco Coffee chia sẻ, hiện nay mô hình du lịch trải nghiệm cà phê, nhất là về quy trình chế biến cà phê đặc sản ở Đắk Lắk được đầu tư và thực hiện khá tốt. Đây chính là những điểm thu hút khách du lịch yêu cà phê đến với Ban Mê, với Đắk Lắk để tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê từ nông trại đến ly cà phê – Farm to cup. Đây cũng là những điểm đến thú vị để du khách có những tour trải nghiệm chuyên sâu về cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để hiểu hơn giá trị cà phê Buôn Ma Thuột và góp phần lan tỏa hình ảnh cà phê Việt Nam ra bạn bè thế giới.