Đi theo tỉnh lộ 681, đến địa phận xã Ea Rốk, thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk (đi qua thị trấn Ea Súp khoảng 15 km), một điểm đến đầy bất ngờ đang chờ đợi…
Nằm ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, Bản Đôn là một địa danh nổi tiếng cả trong và ngoài nước nhờ truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Đường từ Bản Đôn đến thành phố Pleiku, tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai dài khoảng 170 km. Trên hành trình này có một số điểm dừng chân đặc sắc dành cho những vị khách đến từ phương xa.
Điểm đầu tiên là hồ Đăk Mil, một hồ nước nhân tạo được tạo nên từ công trình thủy lợi chặn dòng suối Đắk Man. Hồ nằm ngay bên tỉnh lộ 681, trên địa bàn xã Krông na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Được coi là một thắng cảnh của Tây Nguyên, hồ Đăk Mil rộng khoảng 200 ha, ba mặt hồ được các núi Chư Keh và Chư Mar thuộc dãy Chư Minh bao bọc, tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng.
Khu vực ven hồ là nơi sinh sống của nhiều hộ dân với nghề đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Các thảm cỏ xanh ven hồ là nơi những đàn bò đến gặm cỏ, uống nước trong khung cảnh thanh bình.
Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 681, đến địa phận xã Ea Rốk, thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk (đi qua thị trấn Ea Súp khoảng 15 km), một điểm đến đầy bất ngờ đang chờ đợi: Một tòa tháp Chăm cổ kính đứng sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Đây là tháp Yang Prong, tòa tháp Chăm duy nhất hiện diện ở khu vực Tây Nguyên. Tên tháp trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc địa phương có nghĩa là “Vị thần Vĩ đại”. Ngoài ra, tháp còn có tên là tháp Rừng xanh, do nằm giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp.
Sau các cuộc chiến tranh, tháp Yang Prong đã bị hư hỏng nhiều. Tòa tháp hiện tại đã được tu bổ để khôi phục lại gần với kiến trúc nguyên trạng. Bên trong tháp được bài trí như một ngôi miếu ở các vùng đồng bằng Việt Nam.
Ngoài việc ghé thăm các địa điểm nói trên, trong hành trình Bản Đôn – Pleiku, du khách còn có dịp khám phá những sắc thái văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư sinh sống hai bên đường.
Đó là sự hội tụ của văn hóa bản địa (đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai), văn hóa của người Kinh đến từ miền xuôi, và văn hóa của đồng bào các dân tộc từ khu vực miền núi phía Bắc đến lập bản làng, xây dựng đời sống mới ở Tây Nguyên như H’Mông, Dao, Tày, Nùng…
Hành trình khép lại ở phố núi Pleiku, nơi có khí hậu dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên mang thơ mộc, ẩm thực độc đáo cùng nền văn hóa cồng chiêng lâu đời…