Tôi đến xứ voi Buôn Đôn vào những ngày lễ hội. Nơi đây bao đời nay vẫn khô cằn nắng nóng, những ngày này trở nên khác lạ, khi lá cũng hát bản tình ca rì rào cùng dòng suối ầm ào tuôn chảy. Thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh nên thơ và sống động.
Bên bến Bay Rong (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), ông Y Hăn Bkrông đang chuẩn bị cho một trọng trách quan trọng, cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi. Khí trời oi nồng xen vào mỗi lời kể của ông, tôi nghe như có tiếng suối reo, âm thanh cồng chiêng lẫn hương rượu cần phảng phất. Bây giờ những con đường rộng đẹp, nhà cửa khang trang cùng với người dân ấm no, hạnh phúc trong không gian bình yên.
Sau một năm buôn làng thu hoạch mùa màng xong, già làng và những người có uy tín trong buôn tổ chức cúng bến nước để tạ ơn Yang (thần linh), tạ ơn thần sông, thần nước đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; người buôn làng có nhiều sức khỏe để lao động sản xuất, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Tại lễ cúng bến nước, thầy cúng thực hiện lần lượt từng nghi thức theo truyền thống |
Lễ cúng diễn ra tại bến Bay Rong. Bến Bay Rong theo tiếng đồng bào tại chỗ gọi là Bon Bay Rong trong đó Bon là bến, Bay Rong là tên một khe nước nhỏ ở tại bến nước này. Vào thời kỳ hưng thịnh của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở xứ Bản Đôn xưa và Buôn Đôn hôm nay, sau mỗi lần đi săn về, tù trưởng Sun Khu Nốp (gọi ông Vua voi), thường đến đây làm lễ tế thần nước cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi; cầu mong sức khỏe cho những chú voi vừa săn bắt được ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ và thân thiện với con người và đó cũng là điều lý giải cho việc lễ cúng sức khỏe cho voi thường được tiến hành ngay sau khi kết thúc lễ cúng bến nước.
Du khách như được đắm mình trong đời sống muôn màu Tây Nguyên, được chứng kiến những điều kỳ diệu nơi xứ sở này khi nghi lễ bắt đầu. Đoàn người bước xuống từ nhà cộng đồng với những lễ vật được chuẩn bị đầy đủ. Dẫn đầu đoàn là thầy cúng, trên tay ông cầm một bình nước làm từ quả bầu khô. Lễ vật gồm 3 ché rượu cần, 3 con lợn đực (mỗi con nặng 30 kg), cơm, gạo, trầu cau, thuốc rê, gươm giáo… được bà con sắp xếp gọn gàng. Thầy cúng Y Hăn Bkrông – chủ lễ bắt đầu nghi thức cúng bến nước.
Già làng thực hiện nghi lễ lấy tiết heo bôi lên đầu voi |
Giữa thung sâu đại ngàn, đất trời bừng lên âm thanh cồng chiêng và những vòng xoang kết nối cộng đồng. Cả buôn làng quần tụ bên ché rượu cần. Chị H Ruyên thủ thỉ với tôi rằng, với quan niệm “vạn vật hữu linh”, một năm người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nghi lễ liên quan đến sản xuất và đời sống. Họ quan niệm phải có sự cầu xin để được các Yang (thần) cho phép tiến hành, xong việc phải tạ ơn.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết, lễ cúng bến nước thường được tổ chức vào các dịp lễ hội và đây là nghi thức rất quan trọng vì đồng bào luôn coi việc cúng bến nước là việc trọng đại. Người được giao thầy cúng, gánh vác trọng trách rất lớn. Trước khi cúng bến nước, buôn làng phải làm một lễ chúc phúc cho chủ lễ.
Nồng nàn văn hóa
Lễ cúng bến nước là nghi lễ quan trong của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên |
Những tán cây rừng xòa trên mặt nước, những mảng màu đối lập đan xen khiến xứ voi Buôn Đôn đẹp huyễn hoặc. Trò chuyện với chúng tôi trong xúc cảm hạnh phúc người dân nơi đây cho biết, buôn làng Tây Nguyên đổi mới hôm nay luôn có những lễ hội mang sắc thái ấn tượng, ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc.
Vuốt ve chú voi trước giờ được làm lễ cúng sức khỏe, nghệ nhân Ama Ghi (phụ giúp thầy cúng) chia sẻ, voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên.
Sức mạnh của voi là biểu tượng sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng. Voi gắn với con người, được săn bắt từ đại ngàn hùng vĩ bởi những Gru (dũng sĩ săn voi) dũng mãnh, được thuần dưỡng và nuôi như người bạn lớn trong gia đình Êđê, M’nông, Gia Rai…
Mỗi năm khi mùa màng thu xếp xong thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi; cầu khấn cho tổ tiên, thần linh, những linh hồn, những người đứng đầu dòng tộc; cầu khấn các vị thần núi, thần rừng, thần sông, suối, những nơi linh thiêng mà voi đã từng đi qua hằng ngày che chở phù hộ cho voi có nhiều sức khỏe.
Dưới tán cây rừng, 7 cá thể voi khoác lên mình tấm vải thổ cẩm rực rỡ, được nài voi điều khiển bước vào khu vực tổ chức nghi lễ. Già làng thực hiện nghi lễ lấy tiết heo bôi lên đầu voi. Cầu khấn thần linh phù hộ voi có nhiều sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, phục vụ gia đình buôn làng và chúc voi sống trường thọ.
Lạc bước vào mùa lễ hội nơi đây, ngoài lễ cúng bến nước và lễ cúng sức khỏe cho voi, du khách thích thú chứng kiến tiệc Buffet của voi, ngắm nhìn những con voi nhà thưởng thức các loại trái cây ưa thích.
Theo ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, ngày xưa đồng bào đã dùng nguồn nước từ đầu nguồn các khe suối, các mạch nước ven sông để phục vụ sinh hoạt. Trình độ y học không phát triển như bây giờ, tất cả bệnh tật đều bắt nguồn từ nguồn nước. Nguồn nước được chủ bến nước và người dân coi như sự sống không thể thiếu của buôn làng. Thần nước trong tâm thức đồng bào rất quan trọng nên sự tôn vinh nguồn nước là điều bất biến cho đến bây giờ.
Bằng giọng đặc trưng riêng của đại ngàn, những người già nơi đây tâm sự, xứ này không chỉ thu hút khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của dòng Sê Rê Pôk mà vùng đất này còn khiến du khách đắm chìm trong cảnh quan gắn liền nhiều câu chuyện huyền thoại.
Ánh mắt xa xăm dừng bên những tán lá sắc đỏ của cánh rừng khộp, người đàn ông M’nông trên 70 tuổi thì thầm, nhiều đời sinh sống trên vùng đất này, tuổi thơ gắn liền với những cánh rừng xanh bạt ngàn, ngày đội mưa, nắng đi lấy măng, hái quả để ăn. Trong thẳm sâu tâm hồn của đồng bào bản địa, rừng chính là cội nguồn của đời sống tâm linh, nơi nuôi sống vạn vật, mạch nguồn của nước và nơi ở lý tưởng của những chú voi.
Ngày ấy, voi chủ yếu thả trong rừng tự tìm thức ăn, khi đau ốm hay bị thương voi tự vào rừng tìm lá cây chữa trị, bây giờ không gian sống của voi đang bị thu hẹp dần.