Ngành du lịch 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đang hợp tác, kết nối tour du lịch ‘biển – rừng’ để bổ sung, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh về du lịch của 2 địa phương.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang là địa điểm thu hút đông du khách từ Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, chủ một doanh nghiệp du lịch chuyên đưa khách từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa cho biết, với số dân hơn 2 triệu người, Đắk Lắk là thị trường rất tiềm năng. Sắp tới, khi cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được đưa vào sử dụng, thời gian đi lại rút ngắn, lượng khách từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa sẽ nhiều hơn.
“Người dân Đắk Lắk ở vùng núi rất thích biển Nha Trang – Khánh Hòa. Xu hướng của du khách không cần đi đoàn mà đi theo nhóm, có thể ghép tour vào thứ 6 hàng tuần. Khởi hành tại Buôn Ma Thuột, từ 10 khách trở lên chúng tôi đã khởi hành. Tài nguyên du lịch là các khu nghỉ dưỡng ven biển, đặc sản địa phương có trầm hương, đáp ứng nhu cầu đầu tư cả về bất động sản và đầu tư kinh tế khai thác tiềm năng của Bắc Vân Phong”, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên cho biết.
Đắk Lắk và Khánh Hòa là 2 tỉnh lân cận nhưng có nhiều điểm riêng biệt về sản phẩm du lịch. Khánh Hòa có thế mạnh du lịch biển, đảo; còn Đắk Lắk nổi trội về du lịch sinh thái với nhiều khu, điểm du lịch đồi núi, thác hồ nổi tiếng, cảnh quan hùng vĩ, rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đặc sắc, bạt ngàn và thơ mộng…
Du khách ngắm san hô vịnh Nha Trang.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Ko Tam (Đắk Lắk ) cho biết lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài từ Khánh Hòa lên Đắk Lắk còn hạn chế. Trong khi đó, với khí hậu 4 mùa, nhiều nông sản ngon, cảnh quan đẹp, Đắk Lắk luôn hấp dẫn du khách nếu như được quảng bá tốt. Vì vậy, ngành du lịch hai tỉnh cần đẩy mạnh việc liên kết thu hút khách du lịch từ miền Bắc và khách quốc tế liên tuyến Đắk Lắk – Khánh Hòa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh hy vọng những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa đậm chất núi rừng, vừa đậm chất biển đảo sẽ thu hút và níu chân du khách: “Vì hai địa phương có sự khác biệt giữa biển và rừng, sản phẩm khác nhau. Đắk Lắk rất hấp dẫn đối với các khách hàng tại Khánh Hòa vì Đắk Lắk có bốn mùa khác nhau. Đắk Lắk và Khánh Hòa liên kết với nhau, các công ty lữ hành làm tốt thì du khách sẽ không còn đi cá nhân, không đi theo nhóm nhiều mà sẽ đi tập thể nhiều hơn. Tiềm năng đi du lịch nhiều ngày cũng không chán”.
Thực tế, việc liên kết du lịch giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian tới, ngành du lịch hai tỉnh này sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch giữa hai địa phương. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ khảo sát, thiết kế xây dựng tour liên kết nghỉ dưỡng biển và núi rừng đặc thù giữa Khánh Hòa – Đắk Lắk. Từ đó, nghiên cứu xây dựng ấn phẩm chung để quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và nước ngoài.
Hai địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào quảng bá du lịch, đổi mới marketing du lịch. Đồng thời, vận động doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, dành cho nhau các chính sách giảm giá dịch vụ du lịch để có thể thu hút du khách.
Bến du thuyền Nha Trang vừa được đưa vào hoạt động.
Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị sau khi ký kết hợp tác, ngành du lịch hai tỉnh phải xây dựng được chương trình hành động cụ thể về liên kết du lịch, trong đó phải xây dựng được tour/tuyến du lịch đặc thù có chất lượng cao; những hoạt động xúc tiến quảng bá, thu hút khách nội địa và khách quốc tế đến với hai tỉnh. “Tôi vẫn kỳ vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp, phát huy dần những tiềm năng, lợi thế để không chỉ các du khách trong nước biết đến mà tất cả du khách nước ngoài biết đến. Về phía tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ động học hỏi tỉnh Khánh Hòa, giúp đỡ làm du lịch tốt hơn; tạo được điểm đột phá mới, kết nối các tour du lịch”.
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các doanh nghiệp du lịch chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đồng thời, phát huy những đặc điểm về điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên khác biệt. Lãnh đạo 2 địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành kết nối, khai thác lại các tuyến, điểm du lịch, khôi phục lại các chuỗi liên kết du lịch theo tiêu chí “1 chuyến đi 2 điểm đến”, phát triển thương hiệu du lịch “Rừng và Biển” theo hướng “xanh và an toàn”. Bên cạnh đó, hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội.
Ông Lê Hữu Hoàng cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa kết nối để khách Hàn Quốc đến với Khánh Hòa sẽ đến với Đắk Lắk, cũng như những du khách khác từ Nhật Bản, Trung Quốc. Khách du lịch nội địa cũng được đưa đến Đắk Lắk để phát huy hiệu quả chung. Đồng thời, có chính sách khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu thị trường du lịch nội địa, người dân Đắk Lắk đến Khánh Hòa tham quan nghỉ dưỡng sẽ có đặc thù riêng, ưu đãi riêng cho du khách Đắk Lắk”.