• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

    Thứ sáu, 14-10-2022 / 2:24:54 Chiều
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    306 Lượt xem

    UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND về việc Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022–2025 nhằm khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả các tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm,…

    Kế hoạch ban hành với mục tiêu phát huy lợi thế của Khu vực Tam giác phát triển du lịch Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV), khai thác hợp lý và hiệu quả các tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng, di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh với phương châm phát triển du lịch “ba quốc gia, một điểm đến” trên cơ sở đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng khu vực biên giới, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong Khu vực.
    Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
    Ảnh minh họa – Nguồn Internet

    Cũng như kết nối, hình thành các tour du lịch kết nối các địa phương, các khu du lịch có tầm cỡ quốc gia, khu vực, tạo dựng thương hiệu cho du lịch của Tam giác phát triển du lịch, thu hút nhiều hơn nữa các thị trường khách trong và ngoài nước gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

    Ngoài ra, tập trung thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm du lịch như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Di tích lịch sử quốc gia: Đình Lạc giao, Số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 – 1975; Di tích cấp tỉnh: Sở Chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 với mục tiêu bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích; đồng thời, khai thác, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ hoạt động du lịch gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa…

    Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
    Tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại), cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc – (Ảnh: daklak.gov.vn).

    Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch lễ hội, du lịch golf, thương mại, dịch vụ mua sắm, hàng lưu niệm, đặc sản, ẩm thực Đắk Lắk – Tây Nguyên; du lịch thể thao, chăm sóc sức khỏe, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm (tuyến phố đi bộ, chợ đêm và các dịch vụ) tại thành phố Buôn Ma Thuột và các trung tâm du lịch của tỉnh.

    Qua đó, hoàn thành việc triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển Khu vực biên giới như: Hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho các buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông tại 03 buôn: Buôn Yang Lành, huyện Buôn Đôn; buôn Ja, huyện Krông Bông; buôn Tring,…

    Phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
    Danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk – (Ảnh: Internet).

    Đây cũng là dịp để hiện thực hoá Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030): Hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho 05 buôn đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều dân tộc khác nhau tại các địa phương trong tỉnh (lưu ý chọn buôn đồng bào có vị trí thuận lợi, điều kiện cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, giao thông, gắn với các điểm du lịch khác để hình thành tour, tuyến du lịch),…

    Nguồn : Thời Đại
    Tin mới