Tháng ba, Tây Nguyên ngập toàn sắc trắng của hoa cà phê. Vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng nơi đây đã thu hút biết bao du khách. Từ bao đời, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo…
Sống ôn hòa với thiên nhiên
Nói đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là nói đến không gian văn hóa cồng chiêng, không gian của lễ hội được trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Càng tìm hiểu càng thấy con người nơi đây không thể sống tách ra khỏi tự nhiên, không thể sống tách khỏi rừng. Đêm buông xuống họ đốt lửa cùng người đồng tộc, vít cong cần rượu và ngân lên những giai điệu thiết tha.
Xuôi theo buôn văn hóa, làng kháng chiến, cho dù nhiều điều đã đổi khác, không ít nơi bị tác động mau chóng bởi lối sống hiện đại, đô thị hóa, thì từ trong huyết quản, tôi vẫn nhận thấy những gì rất đỗi gần gũi với thiên nhiên nơi lời ăn, tiếng nói và cả ánh mắt nâu mơ về những mùa suốt lúa trên cao nguyên.
Một nhà văn hóa nước ngoài từng chia sẻ, chế độ mẫu hệ chính là một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa truyền thống các dân tộc. Nếu con người tách ra khỏi tự nhiên thì cơ cấu xã hội sẽ rối loạn. Chỉ riêng chuyện con người bản địa sống hòa quyện với thiên nhiên, bám vào rừng và bảo vệ rừng thôi đã có nhiều chuyện cần khám phá.
Có dịp đến buôn Darahoa ở xã Hiệp An (Đức Trọng, Lâm Đồng) du khách sẽ được trải nghiệm không gian và văn hóa của người Chill, Cơ Ho… Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là từ đầu buôn đã thấy chú gà trống có chín cựa, đắp bằng xi măng từ năm 1978, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, cầu mưa thuận gió hòa, nhắc nhớ cho mỗi thành viên trong làng hãy cố gắng vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Quanh tượng chú gà trống, vào mùa xuân thường diễn ra những đêm kể khan, tấu cồng chiêng.
Những nghệ nhân dệt thổ cẩm cũng biểu diễn những ngón nghề trước đông đảo du khách và sẵn sàng hướng dẫn cho du khách cách dệt thổ cẩm. Du khách cũng sẽ được ngắm nhìn những nương rẫy xanh ngút ngàn, những ngôi nhà của người đồng bào Cơ Ho, Chill yên bình nằm nép mình dưới dãy núi Voi kỳ vỹ, nghe tiếng chim hót vang trời, nghe tiếng suối chảy róc rách mang theo hơi lạnh của buổi sớm mai, thấy lòng người như thư thái, thanh bình đến lạ.
Du khách đến Lâm Đồng cũng mê đỉnh Langbiang – một trong những điểm du lịch thu hút nhiều tín đồ du lịch nhất tại Đà Lạt. Từ đỉnh núi, khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố với vẻ đẹp bồng bềnh, nhẹ nhàng. Trên núi có nhiều khung cảnh đẹp đẽ mà du khách có thể tham gia check-in và mang về những bức ảnh độc đáo.
Thực tế, khu du lịch Langbiang gồm nhiều đỉnh núi khác nhau. Trong đó có 3 đỉnh cao nhất gồm núi Ông (cao 2.124m), núi Bà (cao 2.167m) và núi Ra-đa (cao 1.929m). Langbiang không chỉ là một ngọn núi mà nó còn gắn liền với nhiều kỷ niệm về tình yêu. Cùng với đó là truyền thuyết khi xưa, tại đây là khu du lịch được du khách trong lẫn ngoài nước bình trọn là 1 trong top 5 địa điểm không thể bỏ qua khi đến với Đà Lạt.
Rất nhiều du khách ấn tượng với làng Kon Sơ Lăl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Đây là nơi định cư nhiều năm nhất của người Ba Na và cũng tìm ra những dấu tích cổ xưa nhất của các bộ dân tộc thiểu số.
Nơi đây hiện diện ngôi nhà Rông tuyệt đẹp và chung quanh là gần 60 căn nhà sàn cổ, tạo nên bức tranh hài hòa giữa không gian xanh. Già Bo Chưng kể lại rằng, từ năm 1960, người trong p’lei đã đi khắp núi đồi để tìm gỗ quý, mây và tre về dựng nên. Năm 2002, thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân phải chuyển về làng tái định cư mới ở khu vực gần đó, song họ cũng đã họp và quyết định không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý mà bảo tồn nguyên vẹn, đồng thời cử người túc trực trông coi.
Nơi đây đón nhiều khách đến thăm, ngay cả những người đến mà trong túi không có một đồng, thì người dân vẫn đón tiếp bằng tất cả những gì họ có. Dịp lễ hội, bà con làng Kon Sơ Lăl sum vầy bên mái nhà Rông. Đống lửa trại bập bùng soi rọi bước xoang, điệu chiêng truyền thống trước mái nhà Rông sừng sững, trường tồn.
Trên những hành trình mê đắm
Sau bao lần đến mảnh đất Tây Nguyên, tôi vẫn khẳng định những gì mình hiểu về nơi này còn quá ít. Nhưng như thế sẽ vẫn còn nhiều sự hồi hộp trên hành trình khám phá. Từ đó tôi có thể tìm bạn đồng hành sải bước chân qua suối, qua rừng đến hàng nghìn buôn, bon, p’lei, p’lơi (làng), hòa vào cuộc sống dù còn vất vả, nhưng rất hào sảng của người Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Cơ Ho, Gia Rai…
Có một địa chỉ mà ở đó việc gìn giữ lối sống bản địa được đưa lên hàng đầu, do đó p’lei bị tác động rất ít bởi sự phát triển kinh tế xã hội, đó là Kon Kơ Tu ở xã Đác-rờ-oa (TP Kon Tum). Dù cách trung tâm thành phố không xa, nhưng người dân vẫn sống bám vào đại ngàn, nương rẫy. Hằng ngày họ vẫn lên rẫy làm việc, hoặc xuống suối đánh cá. Nhờ lối sống tự cung tự cấp còn đặc trưng ấy, là một trong những lý do mà người dân đang gìn giữ rất tốt di sản văn hóa bản địa. Hiện tại, p’lei Kon Kơ Tu vẫn tổ chức các lễ hội của riêng mình với những bài cồng chiêng, điệu múa xoang ở nhà Rông. Người Ba Na có vốn văn hóa dân gian cổ truyền khá đậm đà, ngoài cồng chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như: đàn Tingning, đàn T’rưng.
Ngoài ra, người Ba Na còn có nhiều làn điệu dân ca giao duyên, hát kể sử thi Ba Na… Chục năm trở lại đây Kon Kơ Tu đã được quy hoạch thành “Làng du lịch sinh thái, văn hóa” với phương châm giữ gìn tốt các nề nếp sinh hoạt văn hóa của người bản địa.
Tây Nguyên có độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, hai mùa mưa – khô rõ rệt và địa hình đất đỏ bazan màu mỡ được tạo thành từ quá trình hoạt động địa chất của lớp vỏ trái đất. Nơi đây được biết đến là một trong những “thủ phủ” của các loài cây như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu… Đến Tây Nguyên, du khách cũng muốn trải nghiệm việc săn mây, ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi rừng từ các đỉnh núi Chư Mom Ray, Ngọc Linh hay Yok Đôn, rồi đỉnh Yok Đôn, đỉnh Chư Yang Sin ở tỉnh Đắk Lắk, đỉnh Nam Nung ở tỉnh Đắk Nông. Nhiều người cho rằng, mùa xuân là dấu gạch nối giữa hai mùa mưa và mùa khô, vì vậy rừng núi nơi đây sẽ trở nên tươi tốt và bản năng sinh tồn trước mùa khô khiến vạn vật căng đầy sức sống. Và tuyệt vời hơn khi đến Tây Nguyên du khách không chỉ được trực tiếp mục sở thị cây cà phê mà còn được ngắm hoa.
Bởi đây là mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi, du khách mải mê men theo lối mòn tận hưởng vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa đặc sản này. Dường như thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho mỗi vùng miền một nét đẹp đặc trưng riêng, để rồi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ.
Du khách cũng ấn với mùa lễ hội Tây Nguyên, bởi không gian văn hóa trong từng lễ hội, với sắc màu thổ cẩm, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc đặc trưng, hòa quyện vào nhau để cùng tạo nên một gam màu ấm áp. Từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, các buôn làng lần lượt tổ chức các lễ hội, nhiều nhất là các lễ hội nông nghiệp và cộng đồng như mừng lúa mới, cúng bến nước…
Tùy theo từng dân tộc mà mỗi lễ hội có những nghi thức riêng, thể hiện bản sắc văn hóa. Hòa mình vào không gian lễ hội, du khách được tắm mình trong dòng chảy âm nhạc cao nguyên đặc sắc, được thưởng thức tiếng khèn quyến rũ, tiếng tù và trầm hùng và rất nhiều nhạc cụ được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ lễ hội.
Nhiều người sẽ lại nhớ ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên”: “…Tháng ba, trời trong xanh như suối ngàn/ Cho em múa hát, cho anh đánh chiêng/ Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng/ Em ca giọng vọng vút mây xanh/ Chim hót theo nghe sao ngọt lành…”