UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng lịch sử – văn hóa – môi trường hồ Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý rừng hồ Lắk) giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Ban Quản lý rừng hồ Lắk.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 thu hút trên 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 500 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 30% tương đương với 3.000 lượt khách, tổng thu đạt hơn 10 tỷ đồng; có ít nhất 30 cơ sở lưu trú du lịch tại cộng đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động; thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án du lịch.
Khách du lịch khám phá đỉnh Chư Yang Lắk (huyện Lắk). |
Đến năm 2030 thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 1.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 30% tương đương với 6.000 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch 20 tỷ đồng; có ít nhất 50 cơ sở lưu trú du lịch tại cộng đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động; thu hút ít nhất 3 nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án du lịch.
Các dòng sản phẩm du lịch chính gồm: nhóm sản phẩm du lịch sinh thái (các loại du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch kết hợp nghiên cứu tài nguyên sinh vật, địa chất, khí hậu; nhóm sản phẩm du lịch văn hoá (du lịch cộng đồng, tìm hiểu các phong tục tập quán của cư dân địa phương vùng Tây Nguyên, di tích lịch sử, khảo cổ…); nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng để phục hồi sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống; nhóm sản phẩm du lịch MICE (Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm); nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề (tham quan khu vui chơi giải trí, tìm hiểu vườn sưu tập thực vật, nhà bảo tàng mẫu vật; trồng cây lưu dấu, trồng cây gây rừng với người dân địa phương…); nhóm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 218 tỷ đồng, trong đó, vốn xã hội hóa dự kiến hơn 203 tỷ đồng (chiếm hơn 93% tổng nguồn vốn của Đề án), nguồn vốn hợp pháp khác dự kiến 15 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Đề án từ 2021-2030.